Bộ GTVT vừa công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên Huế.
Ảnh minh họa
Thông tư số 58 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký nêu rõ, vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm: Vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế tại khu vực Thuận An và tại khu vực Chân Mây.
Phạm vi vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế tại khu vực Thuận An tính theo mực nước thủy triều lớn nhất, trong đó, ranh giới về phía biển được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối lần lượt từ điểm TA1 đến TA4 với tọa độ tương ứng. Ranh giới về phía đất liền được xác định từ điểm TA4 chạy dọc theo đường bờ biển về phía Bắc và theo bờ của phá Tam Giang đến điển TA5, từ điểm TA5 nối tiếp đến điểm TA6, từ điểm TA6 chạy dọc theo bờ của phá Tam Giang về phía Bắc đến điểm TA7, từ điểm TA7 nối tiếp đến điểm TA8 và từ điểm TA8 chạy dọc theo bờ biển về phía Bắc đến điểm TA1 với các tọa độ tương ứng.
Phạm vi vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế tại khu vực Chân Mây tính theo mực nước thủy triều lớn nhất. Ranh giới về phía biển được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối lần lượt các điểm CM1 đến CM4 với tọa độ tương ứng. Ranh giới về phía đất liền được giới hạn từ điểm CM1 chạy dọc theo ven bờ vịnh Chân Mây về phía Nam đến điểm CM4.
Trên cơ sở vùng nước cảng biển được công bố, Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Hàng hải VN tổ chức công bố vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở đầu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão cho tàu thuyền vào, rời cảng biển Thừa Thiên Huế.
“Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên Huế phải căn cứ vào tình hình thực tế thời tiết, mớn nước, trọng tải của tàu thuyền và tính chất hàng hóa để chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền đón, trả hoa tiêu, quay trở, tránh trú, chuyển tải, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại vùng biển được quy định”, Bộ GTVT yêu cầu.
Thông tư 58 của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2019, bãi bỏ Quyết định số 40/2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
P.V