Ngành hàng không dân dụng quốc tế và Việt Nam đang tìm những giải pháp để giảm phát thải carbon từ hoạt động hàng không.
Cơ quan an toàn hàng không châu Âu cam kết hỗ trợ
Sáng 14/6, Cục Hàng không VN phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo khu vực về giám sát và báo cáo các biện pháp thực hiện được đề ra trong Kế hoạch hành động của quốc gia (SAP) về giảm phát thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn nhất của nhân loại.
Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và sẽ quyết liệt xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của mình, cùng sự hợp tác và hỗ trợ của quốc tế để đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Ông Đinh Việt Sơn khẳng định, việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong COP 26, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động hàng không có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việt Nam luôn là quốc gia tích cực để góp một phần trong nỗ lực của các quốc gia để hỗ trợ ICAO trong mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.
Thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã tham gia tích cực các hoạt động trong việc giảm phát thải khí carbon trong hoạt động hàng không dân dụng, cập nhật và báo cáo ICAO từng năm.
“Tuy nhiên, đây chỉ là những bước khởi đầu của quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực không chỉ của ngành HKDD Việt Nam mà cả cộng đồng hàng không quốc tế”, lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định và nhấn mạnh, ngành hàng không và các hãng hàng không đã có những quyết tâm nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững của hàng không dân dụng Việt Nam. Bộ GTVT luôn tạo mọi điều kiện về thủ tục, cơ chế chính sách để các hãng hàng không cùng các đơn vị trong ngành có thể thực hiện tốt những nhiệm vụ quốc tế trong hoạt động hàng không dân dụng.
Tại hội nghị, ông Santiago - đại diện Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) tuyên bố sẽ hỗ trợ cho các quốc gia thành viên, dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các thành viên ở khu vực châu Á, ASEAN.
Trong đó, EASA mong muốn có những chương trình hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị vận hành để có các thông tin, công cụ thúc đẩy các chính sách liên quan tới biến đổi khí hậu.
Xây dựng xong Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải CO2 trong hoạt động hàng không
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng không,
các quốc gia Đông Nam Á, các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam
Tại hội thảo, các chuyên gia của ngành hàng không chia sẻ các quy trình và cách tiếp cận đã được thông qua của một số quốc gia ASEAN được dự án hỗ trợ trong việc giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu carbon.
Nói về kế hoạch hành động của Việt Nam, bà Vũ Thị Thanh, Phó trưởng phòng KHCN và Môi trường (Cục Hàng không VN) cho biết, Việt Nam đã nộp báo cáo Kế hoạch hành động Quốc gia về giảm phát thải CO2 trong họat động hàng không dân dụng tại Việt Nam. Kế hoạch được đưa ra dựa trên những cân nhắc về thị trường hàng không trong nước, sự ra đời của các hãng hàng không và những tuyến đường hàng không mới.
Bà Thanh cho hay, Việt Nam đã có những bước thực hiện Kế hoạch hành động như: Cập nhật kịch bản Kế hoạch hành động của Việt Nam; tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính khả thi; Xác định các giải pháp cắt thải khả thi và thứ tự ưu tiên cho các biện pháp giảm thiểu khí thải dựa trên bối cảnh của Việt Nam và các bên liên quan bị ảnh hưởng.
Tại hội thảo, thông tin về những giải pháp mà hãng đang thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính, đại diện của Vietnam Airlines thông tin, hãng đang áp dụng giải pháp Single Engine taxiing (lăn bánh một động cơ) để giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải. Giải pháp này áp dụng từ năm 2018 và áp dụng cho cả 3 đội tàu bay của hãng.
Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp này phải thỏa mãn các điều kiện liên quan từ tàu bay, sân bay, những quy định của nhà chức trách.
Kết quả sau 5 năm áp dụng giải pháp đã tạo ra những tín hiệu tích cực khi Vietnam Airlines đã giảm được hơn 4.000 tấn CO2. Đại diện hãng khẳng định vẫn tiếp tục áp dụng và tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm nhiên liệu tiêu thụ và giảm CO2 trong hoạt động hàng không.