Để Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khởi công trong tháng 12/2024, liên danh các nhà đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lâm Đồng khảo sát, lựa chọn vị trí các bãi tập kết vật liệu dư thừa.
Một đoạn tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km và Lâm Đồng khoảng 55 km. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 22 m với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.
Theo Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng, Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nhu cầu đổ vật liệu dư thừa lớn, khoảng 5 triệu m3. Do vậy, cần diện tích khoảng 100 ha (nếu thực hiện đổ với chiều cao 5 m) hoặc lớn hơn (nếu thực hiện đổ với chiều cao nhỏ hơn 5 m). Qua khảo sát ban đầu, nếu đổ vào vị trí đất công làm bãi thải sẽ không đủ đáp ứng, đồng thời thay đổi khoảng cách vận chuyển và các phương án liên quan, đặc biệt sẽ phát sinh thêm chi phí.
Các địa phương tuyến cao tốc này đi qua, gồm: Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc mới đây cũng có cuộc họp với các sở, ngành, nhà đầu tư để cho ý kiến về nội dung nêu trên. Cụ thể, UBND huyện Đạ Tẻh thông tin khó khăn hiện nay là trên địa bàn huyện có 6 vị trí đất công khoảng 12 ha nằm trên 3 địa bàn xã, vị trí tiếp cận xa (từ 10 đến 26 km) và đường vận chuyển không đáp ứng tải trọng của xe vận chuyển nên khó khăn trong việc thi công, vận chuyển. Hay tại đoạn cao tốc qua địa phận Bảo Lâm, các vị trí đất công trên địa bàn, hầu hết đều nằm trong ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Đồng thời, 5 vị trí được Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát và đánh giá phù hợp về mặt môi trường đều nằm trong ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản. Do đó, địa phương cũng đề xuất nhà đầu tư cần khảo sát thêm các vị trí thay thế.
Liên quan tới công đoạn này, theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, đứng đầu liên danh các nhà đầu tư cho biết, vừa qua, Công ty đã kết hợp với với các sở, ban, ngành và đại diện địa phương tiến hành khảo sát và đánh giá ban đầu có 14/28 vị trí đề xuất phù hợp và các vị trí này là đất của người dân. Số vị trí chưa phù hợp còn lại có một số bất cập như có khoảng cách xa tuyến đường thi công. Đơn cử như tại huyện Đạ Tẻh vị trí đổ vật liệu dư thừa cách 25km,… Phương án tối ưu Công ty đang đề xuất các đơn vị có thẩm quyền cho phép đối với các vị trí thuộc đất của dân, Công ty sẽ hợp đồng thuê đất của dân để chứa tạm vật liệu dư thừa và cam kết quản lý vật liệu dư thừa theo quy định. Bên cạnh đó, sử dụng khoảng 1,25 triệu m3 vật liệu dư thừa để đắp cho 15 km thuộc giai đoạn 2 của dự án, từ đó sẽ giảm bớt khối lượng đất dư thừa. Ngoài ra, để tận dụng phần đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng dọc tuyến để thực hiện đổ thải.
Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn và cùng phối hợp với các đơn vị, địa phương xử lý phương án đổ vật liệu dư thừa Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng thống nhất với các đơn vị, địa phương đề nghị Tập đoàn Đèo Cả sớm tính toán việc thỏa thuận với các hộ dân về thỏa thuận dân sự, thời hạn thuê đất, quyền lợi giữa các bên để đưa vào phương án. Trường hợp đề xuất phương án nếu thỏa thuận được với người dân thì việc quản lý tài sản của Nhà nước phải được thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, tính toán, bóc tách khối lượng đất mặt cần xử lý lớp thực bì và khối lượng khoáng sản và lấy ý kiến Sở Công thương về phương án tập kết tạm vật liệu dư thừa tại các vị trí nằm trong ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản,...
Theo Báo Lâm Đồng