Đó là thông tin được ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đưa ra tại buổi Tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” do Bộ Giao thông vận tải tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/8.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Giao thông.
Tọa đàm có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Lộ trình chuyển đổi theo 3 kịch bản
Ông Thái Hồ Phương cho biết, thành phố Hà Nội hiện có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2.
Ông Thái Hồ Phương tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Giao thông
Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, hiện nay, mới chỉ có 2 vị trí lắp đặt của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus, phục vụ cho 10 tuyến. Mỗi trạm sạc lần lượt có 32 trụ và 39 trụ sạc, công suất từ 120-150kWh, đáp ứng nhu cầu sạc 100% pin của toàn bộ xe.
“Thành phố đã đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi xe buýt dùng điện, năng lượng xanh trên địa bàn phù hợp với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh và tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035” - ông Thái Hồ Phương nói.
Lộ trình chuyển đổi phương tiện buýt thường sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của thành phố dự kiến đi theo 3 kịch bản gồm: Kịch bản 1: 100% xe buýt điện, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.433 xe. Kịch bản 2: 70% buýt điện, 30% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.212 xe (1.592 xe điện và 620 xe LNG/CNG). Kịch bản 3: 50% buýt điện, 50% buýt LNG/CNG, số phương tiện sau chuyển đổi là 2.076 xe (1.100 xe điện và 976 xe LNG/CNG).
Dựa trên tình hình thực tiễn, trước mắt, thành phố đề xuất thực hiện theo kịch bản 3. Khi điều kiện cho phép, sẽ phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, sau năm 2040 thực hiện kịch bản 1.
Kế hoạch chuyển đổi dựa trên nguyên tắc lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt dùng điện và năng lượng xanh, bảo đảm phù hợp thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng xe điện, xe năng lượng xanh.
Với các xe buýt diesel đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc được phép kéo dài thời gian sử dụng đến hết hạn thầu.
Đối mặt với nhiều thách thức
Để thực hiện mục tiêu này, ông Thái Hồ Phương cho rằng, cần huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hằng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc/nạp khí...).
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất một số giải pháp gồm: Quán triệt, tuyên truyền về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện; hoàn thiện định mức, đơn giá cho các loại xe buýt xanh; áp dụng định mức, đơn giá tạm thời để đặt hàng xe buýt xanh trong thời gian chờ ban hành chính thức; đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt dùng điện, năng lượng xanh...
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt điện. Ảnh: Vinbus cung cấp.
Thực hiện việc chuyển đổi này, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn như: Cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư phương tiện, hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự... Các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn có cơ chế cho vay và lãi vay hấp dẫn, an toàn, với sự bảo trợ của Chính phủ, thành phố.
Do đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình trạm sạc; bố trí mạng lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu trạm sạc; hướng dẫn cụ thể về giá bán điện của trạm sạc và giá sạc điện; cũng như sớm ban hành tiêu chuẩn về ổ cắm dùng trong trạm sạc, nhằm đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn về dây, cáp sạc và thiết bị đo đếm điện năng.
Theo Báo Hà Nội mới