1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2015.
3. Nội dung chủ yếu của Nghị định
Theo Nghị định, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư hoặc tối thiểu bằng 10% của phần vốn trên 1.500 tỷ đồng (nếu dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng).
Nghị định cũng quy định chi tiết điều kiện lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, để được lựa chọn, dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định; có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư; có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và phải có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.Nghị định còn quy định cụ thể nội dung đề xuất dự án. Tương tự đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, cũng phải có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên; có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định; phù hợp với lĩnh vực đầu tư...; đặc biệt, nếu nhà đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước thì phải liên danh với doanh nghiệp khác để đề xuất dự án.
Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Trường hợp có báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề xuất dự án (đối với dự án nhóm C) được Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu chọn nhà đầu tư.