Trần Chung
Email: tranchung1989@gmail.com
Về việc: Vấn đề xe quá tải
* Nội dung câu hỏi:
Kính thưa Bộ trưởng, tôi có hai vấn đề sau muốn hỏi Bộ trưởng:
1. Hai xe tải hiệu JAC 310 năm 2012, xe 4 chân, 12 lốp, kích cỡ lốp 12.00-20, đăng ký cách nhau 1 tháng, cùng 1 nơi đăng ký lưu hành. Một chiếc đăng ký trước trọng tải 15 tấn và tổng trọng tải là 28 tấn, còn chiếc đăng ký sau trọng tải ghi 17,5 tấn và tổng trọng tải là 31 tấn.
Như vậy cho phép tải trọng 17,5 tấn vẫn lưu hành Nghệ An-Hà Nội, còn chiếc xe 15 tấn không lưu hành được. Nếu lưu hành phải chạy quá tải, nếu không sẽ không đủ chi phí. Vậy tôi xin hỏi sao lại có trường hợp này xảy ra và chúng tôi phải làm thế nào?
2. Hiện tại có một vấn đề xảy ra sau khi có quy định về cấm xe quá tải đó là xe tải của Lào sang và chở hàng trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ sở hữu của những chiếc xe này là người Việt Nam, họ làm hợp đồng với người Lào và đưa xe về Việt Nam lưu thông. Những chiếc xe này nhỏ hơn xe của Việt Nam nhưng có tải trọng cho phép lớn hơn, điều này đang gây khó khăn với những chủ xe tải ở Việt Nam. Hơn nữa xe đăng ký ở Lào lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam vừa gây khó khăn cho xe đăng ký tại Việt Nam, lại không đóng thuế tại Việt Nam.
Xin hỏi, cơ quan chức năng có biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này được không vì hiện nay những chiếc xe như thế đang làm cho nhiều chủ xe hoang mang.
* Câu trả lời:
1. Hiện nay, theo rà soát trong cơ sở dữ liệu quản lý xe cơ giới tại Cục Đăng kiểm Việt Nam thì có khoảng hơn 40 chiếc ô tô sát xi có buồng lái (chưa có công năng) nhãn hiệu JAC, công suất động cơ 310 hP được nhập khẩu vào Việt Nam. Những chiếc xe này đều cần phải làm thủ tục thiết kế và sản xuất, lắp ráp thùng xe ở trong nước trước khi đưa xe vào hoạt động, khai thác.
Về nguyên tắc, việc xác định khối lượng cho phép tham gia giao thông được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện như sau: Căn cứ vào hồ sơ thiết kế của các Cơ sở thiết kế xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định thiết kế và kiểm tra đồng thời ghi nhận giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trong trường hợp đảm bảo các điều kiện sau:
- Không vượt quá Giá trị lớn nhất của tải trọng trục xe (kể cả tải trọng lốp xe) và khối lượng toàn bộ của xe (gồm cả phân bố khối lượng toàn bộ lên các trục xe) do Nhà sản xuất công bố;
- Không vượt quá Giá trị lớn nhất của tải trọng trục xe và khối lượng toàn bộ của đoàn xe theo quy định Quy chuẩn Quốc gia QCVN 09:2011/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải;
2. Về vấn đề thứ hai trong câu hỏi của ông, tại Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới Việt Nam và Lào ký ngày 13/4/2009 và Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (ký tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2010), có quy định:
“Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuần thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó” (Điều 4, Hiệp định).
“Phương tiện của Bên này không được vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Bên kia” (Điều 6, Hiệp định);
Với các quy định nêu trên, trong thời gian qua việc phương tiện vận tải hàng hóa của nước bạn Lào vào Việt Nam đã được các cơ quan cửa khẩu như: Hải quan, Biên phòng, v.v… kiểm soát theo quy định. Việc kiểm soát, yêu cầu phương tiện của nước bạn Lào tuân thủ pháp luật của Việt Nam về giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam thuộc chức năng của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.
Để kiểm soát tải trọng phương tiện mang biển kiểm soát Lào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 23/10/2014, Tổng cục ĐBVN đã có công văn số 5593/TCĐBVN-ATGT hướng dẫn các Trạm KTTTX lưu động thực hiện cân kiểm tra tải trọng xe loại phương tiện này. Việc cân kiểm tra để xử lý xe quá tải được xem xét trên hai tiêu chí: quá tải so với tải trọng cho phép chở của xe được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; và quá tải so với tải trọng cho phép của cầu, đường. Vì vậy đối với xe ô tô biển kiểm soát Lào, dù xe có tải trọng cho phép tham gia giao thông lớn, cũng sẽ chịu sự kiểm soát tải trọng theo tải trọng cho phép của cầu, đường.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động của các phương tiện tham gia Hiệp định vận tải Việt – Lào, để đảm bảo nghiêm việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.