Nguyễn Tấn Đoan về việc hỗ trợ người khuyết tật khi đi máy bay

Thứ tư, 04/03/2015 16:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nguyễn Tấn Đoan Email: tandoan@outlook.com Địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh Về việc: Về hỗ trợ người khuyết tật khi đi máy bay

* Nội dung câu hỏi:

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải! Đầu tiên chúc Bộ trưởng Đinh La Thăng sức khỏe.

Tôi là người khuyết tật đi bằng đôi nạng, quê ở tỉnh Quảng Nam và công tác tại cơ quan nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh. Đi làm xa nên mỗi năm cũng về được một lần hoặc hai vì xa nên phải dành dụm tiền để đi máy bay cho nhanh.

Nhưng có một điều thắc mắc với hãng hàng không Vietjet Air.

Như Tết vừa rồi tôi có mua vé khứ hồi Sài Gòn – Đà Nẵng với vé được hỗ trợ nhân viên của hãng đưa lên, xuống máy bay. Khi về thì không vấn đề gì nhưng khi vào lại thì nhân viên tại Sân bay Đà Nẵng yêu cầu “nếu tự đi lên máy bay bằng xe bus trung chuyển hoặc đi đường ống thì hãng cho đi còn không phải có người đi kèm để đưa lên máy bay chứ nhân viên hãng không hỗ trợ”.

Tôi có thắc mắc là sao vừa rồi đi về bình thường giờ đi vào lại có yêu cầu. Khi nhân viên kiểm tra mã lượt về thì sau đó có người đưa lên máy bay và xuống ở Sài Gòn.

Hiện nay có việc tôi phải về quê mấy ngày, rút kinh nghiệm tôi điện hỏi nhân viên hãng thì mỗi lần một khác, nhân viên nói được, gặp nhân viên khác nói phải có người đi kèm. Không lẽ người khuyết tật không được đi hãng Vietjet Air nếu không có người đi kèm. Vì không có tiền và giá vé bên Vietjet rẻ mới đủ điều kiện đi nên phải chọn mà người khuyết tật lại bị thiệt thòi và bị đối xử như vậy có đúng luật hay không? Mấy lần đi hãng Vietnam Airline thì không có tình trạng này.

Bởi Bộ trưởng cũng từng chọn Vietjet Air đi công tác và cả ngành giao thông bởi vì rẻ và tôi cũng vậy nhưng …những người khuyết tật không có quyền lựa chọn thì phải.

Kính mong Bộ trưởng trả lời cho tôi cũng như những người khuyết tật trên cả nước muốn đi hãng Vietjet Air phải như thế nào. Người khuyết tật phải tự đi ra máy bay và xuống hoặc phải có người đi kèm mới được.

Chúc Bộ trưởng sức khỏe. Chờ câu trả lời của Bộ trưởng.

* Câu trả lời:

Việc phục vụ người khuyết tật đã được qui định tại các văn bản pháp lý, cụ thể như sau:

- Khoản 2, Điều 145 Luật hàng không dân dụng năm 2006 quy định về nghĩa vụ của người vận chuyển đối với người khuyết tật “hãng hàng không phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là người khuyết tật hoặc cần sự chăm sóc trong quá trình vận chuyển”.

- Khoản 2 Điều 14 Chương III của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật quy định “Đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy”.

- Thông tư số 26/2009/TT-BGTVT ngày 28/10/2009 của Bộ Giao thông vận tải (Thông tư 26) quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Các Điều 5, 8 Chương III của Thông tư quy định cụ thể về việc đăng ký điều lệ vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến, gián đoạn vận chuyển, không chấp nhận vận chuyển và việc vận chuyển hành khách đặc biệt.

Do đó các hãng hàng không và các đơn vị tham gia vận tải công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật. Tuy nhiên, thời điểm Tết là thời điểm phục vụ nhiều chuyến bay cùng lúc, nhiều hành khách khuyết tật, hạn chế khả năng di chuyển khác cũng cần được hỗ trợ trong khi hạ tầng chung của cảng hàng không, sân bay còn hạn chế; trang, thiết bị cần thiết (xe nâng, xe lăn sân đỗ…) của công ty phục vụ mặt đất chưa được trang bị đầy đủ; do đó việc không có đủ xe, thiết bị phục vụ cho hành khách là người khuyết tật đã gây bức xúc. Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của Bác và sẽ chỉ đạo Công ty cổ phần Hàng không VietJet cần tăng cường về nhân lực đủ tiêu chuẩn; phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, công ty phục vụ mặt đất trong cải thiện hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhằm đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho hành khách đặc biệt là khách khuyết tật cần sự trợ giúp.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)