Tôi thấy các hành vi vi phạm an toàn đường sắt thường để lại hậu quả lớn. Cho tôi hỏi quy định xử phạt đối với những hành vi này như thế nào?

Thứ tư, 09/12/2015 10:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Câu hỏi: Tôi thấy các hành vi vi phạm an toàn đường sắt thường để lại hậu quả lớn. Cho tôi hỏi quy định xử phạt đối với những hành vi này như thế nào?

          Trả lời: Căn cứ Điều 48 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đi, đứng, nằm, ngồi trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt trừ người đang làm nhiệm vụ;

b) Vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh;

c) Để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;

d) Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên, xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ người đang thi hành nhiệm vụ;

đ) Phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm khác trên đường sắt hoặc các công trình đường sắt khác;

e) Để rơi vãi đất, cát, các loại vật tư, vật liệu khác lên đường sắt.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Neo đậu phương tiện vận tải thủy, bè, mảng trong phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;

b) Để phương tiện giao thông đường bộ, thiết bị, vật liệu, hàng hóa vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt; trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ngăn cản việc chạy tàu, tùy tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt;

b) Để vật chướng ngại lên đường sắt làm cản trở giao thông đường sắt.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân làm rơi gỗ, đá hoặc các vật phẩm khác gây sự cố chạy tàu.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a, Điểm d Khoản 1 Điều này bị buộc phải về vị trí quy định theo hướng dẫn của nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ trên tàu;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này bị buộc phải đưa phương tiện vận tải thủy, bè, mảng ra khỏi phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;

c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này bị buộc phải đưa phương tiện giao thông đường bộ, thiết bị, vật liệu, hàng hóa ra khỏi giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;

d) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này bị buộc phải đưa rơm, rạ, nông sản, các vật phẩm khác ra khỏi đường sắt hoặc các công trình đường sắt khác;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm e Khoản 1, Điểm b Khoản 3 Điều này bị buộc phải đưa đất, cát, vật chướng ngại, các loại vật tư, vật liệu khác ra khỏi đường sắt.

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)