Vụ Kết cấu hạ tầng GTVT trả lời doanh nghiệp về Cách xác định mép trong, mép ngoài rãnh dọc của đường bộ và Chướng ngại vật trên đường

Thứ tư, 27/10/2021 15:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vụ Kết cấu hạ tầng GTVT vừa có Công văn số 559/KCHT trả lời câu hỏi trên Chuyên mục "Hỏi đáp pháp luật” và “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT.

1. Câu 33: Cách xác định mép trong, mép ngoài rãnh dọc của đường bộ?

Trả lời: Đối với công trình đường bộ, trong phạm vi nền đường đào hoặc đường đô thị thường bố trí rãnh dọc để thu gom, dẫn nước mặt đến các hố ga hoặc sông, suối. Tính từ tim đường ra phía ngoài gồm mặt đường; lề đường; rãnh dọc; phần đất bảo vệ, bảo trì công trình; hành lang an toàn đường bộ. Mép ngoài của rãnh dọc được xác định tại vị trí ngoài cùng của thành rãnh tiếp giáp phần đất bảo vệ bảo, trì công trình.

Tại khoản 2, Điều 14 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định như sau:

“Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ dùng để giữ vật tư sử dụng cho bảo trì, để di chuyển hoặc đặt các thiết bị thực hiện việc bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ. Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ có bề rộng theo cấp đường, được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) ra mỗi bên…”

Tại khoản 2, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hệ thống thoát nước là một bộ phận của công trình đường bộ; đồng thời theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP nêu trên: việc xác định mép ngoài cùng của rãnh dọc để xác định phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, do vậy toàn bộ mặt cắt ngang của công trình đường bộ (bao gồm cả rãnh dọc) sẽ được bảo vệ bởi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ.

2. Câu 40: Kính mong quý cơ quan giải thích “Chướng ngại vật trên đường” được quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT được hiểu như thế nào? Có được xem 1 phương tiện đang dừng, đỗ xe trên đường hoặc 1 người tâm thần đang ngồi trên đường là chướng ngại vật không? Rất mong nhận được giải đáp. Tôi xin cảm ơn! 

Trả lời: Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2021 được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; Tại Điều 5. Các trường hợp phải giảm tốc độ, trong đó khoản 1 quy định: “Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;”.

- Tại khoản 2, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó bao gồm nội dung: “Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.”.

- Tại Điều 5 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định các trường hợp phải giảm tốc độ: “1. Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;

2. Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;

3. Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận;

4. Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

5. Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông;

6. Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

7. Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;

8. Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;

9. Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;

10. Gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe siêu trường, xe siêu trọng, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ;

11. Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;

12. Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm giao dịch thanh toán đối với các phương tiện sử dụng đường bộ.”

Theo quy định nêu trên, chướng ngại vật trên đường bộ (tại Điều 5 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT) được hiểu là các vật bất động nằm trên đường bộ, các phương tiện đang dừng, đỗ xe trên đường hoặc người tâm thần đang ngồi trên đường là những yếu tố mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng tại chỗ để tránh xảy ra mất an toàn hoặc tai nạn giao thông. - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về quy tắc giao thông trong đó quy định dừng đỗ xe trên đường bộ tại Điều 18; quy định đối với người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông tại Điều 33 “Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu khi đi qua đường”.

kimcuc

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)