Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2015; thay thế Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19/01/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
Luật Đường sắt được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Ngày 22/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt. Sau đó, ngày 19/01/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP.
Qua gần 9 năm thi hành, Luật Đường sắt và các nghị định nêu trên đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế; về cơ bản đã xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về lĩnh vực đường sắt, xác lập được mối quan hệ cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào hoạt động đường sắt và bước đầu tạo lập các cơ sở, tiêu chí và nguyên tắc cơ bản để phát triển bền vững ngành đường sắt. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành các nghị định cho thấy còn có một số vướng mắc, bất cập, chủ yếu thể hiện ở một số nội dung sau:
- Chưa quy định rõ giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư. Cụ thể là:
Thiếu các quy định về nguyên tắc tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải; quy định về cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; quy định về kiểm tra, giám sát chống phân biệt đối xử trong tiếp cận kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư….
Thực tế cho thấy, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt hiện vẫn do một chủ thể quản lý, khai thác vì thế tạo nên sự độc quyền trong kinh doanh vận tải đường sắt, chưa tạo lập được môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử đối với mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt.
- Còn thiếu các quy định về đường sắt đô thị (như quy định về chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị; quy định về giấy phép lái tàu đường sắt đô thị) để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với loại hình giao thông mới này.
- Một số quy định nêu tại Nghị định số 109 chưa rõ ràng, chưa đầy đủ về nội dung thực hiện và trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động đường sắt như quy định về việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đối với đường sắt chuyên dùng không kết nối với đường sắt quốc gia; quy định mức phí, mức giá và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt đường sắt do Nhà nước đầu tư; các quy định về loại hình và điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt; quy định về miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đường sắt….
Hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác; nâng cao chất lượng vận tải đường sắt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền.
Hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung tái cơ cấu ngành, nghề kinh doanh; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trực thuộc; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp.
Vì vậy, việc ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 109/2006/NĐ-CP và Nghị định số 03/2012/NĐ-CP là khách quan và cần thiết.
4. Nội dung chủ yếu
a) Nghị định số 14/2015/NĐ-CP gồm 08 chương, 52 điều và 03 Phụ lục.
b) Các nội dung chủ yếu của Nghị định:
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt về kết cấu hạ tầng đường sắt; kinh doanh đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; danh mục hàng nguy hiểm và vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt; đường sắt đô thị; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến đường sắt trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Nghị định, nguyên tắc tổ chức hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện như sau:
- Đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, việc kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải phải được phân định như sau:
+ Về kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt: Kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Việc quản lý, khai thác tài sản này được giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
+ Về kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt: Doanh nghiệp có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt. Không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước khi thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
- Đối với hệ thống đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị không nhất thiết phải phân định giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải.
- Các công trình, tuyến đường sắt được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức khác, việc quản lý, khai thác thực hiện theo quy định của hợp đồng.
Cũng theo Nghị định, kinh doanh đường sắt bao gồm các loại hình: Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; Kinh doanh vận tải đường sắt; Kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa tại ga, bãi hàng có đường sắt; Kinh doanh lưu kho, bảo quản hàng hóa tại ga đường sắt; Kinh doanh sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi phương tiện giao thông đường sắt; Kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải đường sắt; Kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa.
Nghị định cũng quy định kinh doanh đường sắt là kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) kinh doanh đường sắt phải có đủ các điều kiện chung như: Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Có đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh; Có trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề kinh doanh.
Theo Nghị định, có 7 đối tượng chính sách xã hội sau đây được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé đi tàu gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; Trẻ em dưới 6 tuổi.
Nghị định cũng quy định việc giảm giá vé áp dụng cho các đối tượng, theo đó người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được giảm 90% giá vé. Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng sẽ được giảm 30% giá vé. Việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng.
Cũng theo Nghị định, phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt bao gồm: Các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để vận chuyển người và vật tư, thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của ngành Đường sắt; Các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; để kiểm tra, thi công, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Theo Nghị định, đô thị được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như: Đô thị có chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ, liên tỉnh hoặc cả nước; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động chiếm từ 85% trở lên; Quy mô dân số từ một triệu người trở lên; Mật độ dân số bình quân từ 12.000 người/km2 trở lên.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
VỤ PHÁP CHẾ - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI