Thông tin Về Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT

Thứ tư, 23/09/2015 09:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

I. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

II. Hiệu lực thi hành

1.Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Bãi bỏ:

- Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004;

- Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004  và tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

III. Sự cần thiết ban hành

Đến nay Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT đã ban hành được hơn 10 năm. Để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 24/2015/NĐ-CP, các văn bản quy phạm pháp luật khác và đưa ra một số biện pháp quản lý để tăng cường quản lý việc thực hiện công tác đăng kiểm và nâng cao chất lượng phương tiện, cần thiết phải ban hành quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để thay thế cho Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT và Thông tư số 34/2011/TT-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT.

IV. Nội dung chủ yếu

Thông tư này quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và việc tổ chức thực hiện đăng kiểm cho các phương tiện thủy nội địa với các nội dung chủ yếu sau:

1. Nội dung đăng kiểm phương tiện thủy nội địa bao gồm:

a) Thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của tàu.

b)  Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm tra), cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện nhập khẩu.

c) Kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận cho sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện.

d) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi.

đ) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho phương tiện trong quá trình hoạt động.

e) Đo đạc xác định trọng tải toàn phần và dung tích của phương tiện.

g) Đo đạc xác định mạn khô và vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.

h) Sao và thẩm định mẫu định hình; thẩm định thiết kế thi công, thiết kế hoàn công cho phương tiện.

2. Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm

a) Các cơ quan thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa bao gồm: Cục Đăng kiểm Việt Nam, các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải.

Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại phương tiện quy định tại khoản 4 Phụ lục IX thuộc địa phương quản lý và các phương tiện quy định tại khoản 3 Phụ lục IX của Thông tư này khi đủ năng lực và được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận và thông báo.

 Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại phương tiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Phụ lục IX của Thông tư này. Trong trường hợp có đề nghị của Sở Giao thông vận tải thì nhiệm vụ đăng kiểm được phân công cho đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải sẽ do đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.

b) Đơn vị đăng kiểm sẽ được phân thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II, hạng III tương ứng với năng lực nhân sự và cơ sở vật chất. Trong đó, hạng I là cao nhất và được kiểm định tất cả các loại phương tiện thủy nội địa, hai hạng còn lại được kiểm định loại phương tiện theo giới hạn nhất định. Cục ĐKVN xác nhận năng lực  đối với các đơn vị đăng kiểm.

3. Thông tư quy định chi tiết quy trình, thủ tục, nội dung kiểm định phương tiện thủy nội địa.

ĐÁNH GIÁ

Chấm điểm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)