1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Thông tư liên tịch số 42/2015/TTLT-BGTVT-BNV ngày 14/8/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015.
3. Nội dung chủ yếu của Thông tư
Theo Thông tư liên tịch, Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị, vận tải, an toàn giao thông, quản lý, khai thác, bảo trì hạ tầng giao thông đô thị. Sở Giao thông vận tải có 18 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn trong đó có các nhiệm vụ và quyền hạn như: trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự thảo quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm về giao thông vận tải, các dự án đầu tư về giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình trong lĩnh vực giao thông vận tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp của tỉnh… Về cơ cấu tổ chức, Sở Giao thông vận tải có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Giao thông vận tải ban hành và theo quy định của pháp luật. Sở Giao thông vận tải có các các cơ quan chuyên môn như: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, phòng Pháp chế - An toàn, phòng Kế hoạch – Tài chính…
Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải và các lĩnh vực khác được giao theo quy định của pháp luật. Phòng có 14 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn trong đó có các nhiệm vụ và quyền hạn như: trình Ủy ban nhân dân cấp huyện các dự thảo văn bản về giao thông vận tải trên địa bàn huyện, quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm nhiệm vụ thường trực Ban An toàn giao thông cấp huyện,…Về tổ chức và biên chế, Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.