1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/ 2015.
3. Nội dung chủ yếu của Nghị định
Về thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương được ban hành các thông tư, quyết định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quản lý, tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật… Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về giáo dục nghề nghiệp; chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; quản lý và kiểm tra việc thực hiện quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và việc cấp bằng, chứng chỉ đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh theo quy định của pháp luật… Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp trên về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Về hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, có các hình thức liên kết đào tạo như: đào tạo tại Việt Nam theo chương trình của Việt Nam hoặc chương trình do hai bên xây dựng; cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam; đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đã chuyển giao từ nước ngoài; cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam và được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín công nhận… Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học. Nghị định cũng quy định điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời quy định thời gian hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có quyền được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương; được tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên tại nơi làm việc của doanh nghiệp… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng và tuyển dụng lao động hàng năm của doanh nghiệp theo ngành, nghề, trình độ đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp…