Thông tin về Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thứ năm, 15/01/2015 16:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

2. Hiệu lực thi hành

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2014. Nghị định này thay thế Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thay thế quy định về xử phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất quốc phòng quy định tại Điều 29 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

3. Nội dung chủ yếu của Nghị định

Nghị định quy định hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền; hai hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 09 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực và tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Cũng theo Nghị định, tùy mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 01 tỷ đồng. Cụ thể: Áp dụng mức phạt thấp nhất 500 nghìn đồng đến 01 triệu đồng cho hành vi: Đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác (tại khu vực nông thôn); hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn; hành vi không đăng kí đất đai lần đầu…

Hành vi chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 01 tỉ đồng. Cụ thể, đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 01 tỉ đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 500 triệu đến 01 tỉ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậmlàm thủ tục từ trên 12 tháng trở lên cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên. Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp xã có thể xử phạt tối đa 05 triệu đồng đối với cá nhân và 10 triệu đồng đối với tổ chức; Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thanh tra chuyên ngành đất đai có thể xử phạt tối đa 500 triệu đồng đối với cá nhân và 01 tỷ đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì cũng có quyền xử phạt.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)