1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
2. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
3. Nội dung chủ yếu của Luật
a. Quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và cơ quan chuyên môn về xây dựng:
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng gồm Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện); Cơ quan chuyên môn về xây dựng là các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện; Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư là cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án, và được người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ thẩm định.
b. Thẩm quyền thẩm định Dự án đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách:
Theo quy định của Luật xây dựng cũ và các văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân sách thì Người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định dự án trước khi phê duyệt. Đầu mối thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn trực thuộc cấp quyết định đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở khi cần thiết.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn ngân sách, Luật xây dựng mới số 50/2014/QH13 đã thay đổi và quy định cụ thể thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn ngân sách như sau.
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở; cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có) và các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng thì cơ quan chuyên môn về xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp có trách nhiệm chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định phần thiết kế công nghệ (nếu có) và các nội dung khác của Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng.
c. Các hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng:
Luật xây dựng mới đã quy định 5 hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước.
- Thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ.
- Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để quản lý thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, dự án có sự tham gia của cộng đồng.Như vây, so với Luật xây dựng cũ, Luật xây dựng mới đã bổ sung thêm hai hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, đó là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực. Đồng thời, các hình thức quản lý dự án trên không chỉ áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, mà những dự án chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách cũng phải vận hành theo cơ chế này.
d. Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng:
- Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;
- Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.
So với Luật xây dựng cũ thì Luật Xây dựng mới bổ sung thêm Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng; và quy định rõ 3 loại bảo hiểm bắt buộc phải mua gồm: Chủ đầu tư phải mua Bảo hiểm công trình trong thời gian thi công xây dựng đối với công trình ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phúc tạp; Nhà thầu tư vấn Khảo sát, Thiết kế mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công trình cấp II trở lên, Nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm cho người lao động; Ngoài các trường hợp bắt buộc phải mua bảo hiểm như trên, Luật xây dựng mới số 50/2014/QH13 khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng.