Những điểm mới của Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014

Thứ sáu, 16/01/2015 16:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật

Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014

2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

3. Nội dung chủ yếu của Luật

Luật giáo dục nghề nghiệp được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thực sự tạo nên sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI.

Từ ngày 01/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều, quy định hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Luật có những “điểm mới “quan trọng sau so với Luật Dạy nghề trước đây.

1. Về cấp trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Luật Giáo dục nghề nghiệp cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm: Trình độ sơ cấp; trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.

 2. Về tên gọi của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Luật quy định rõ cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (là sự thống nhất của trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề), trường trung cấp (là sự thống nhất của trường trung cấp chuyên nghiệp và trường trung cấp nghề) và trường cao đẳng (là sự thống nhất của cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề).

3. Về tổ chức, quản lý đào tạo. Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo 3 phương thức: đào tạo theo niên chế, đào tạo theo tích lũy mô-đun, đào tạo theo tích lũy tín chỉ. Khác với trước đây tổ chức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp chỉ có phương thức đào tạo theo niên chế.

 Theo phương thức đào tạo này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực; người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học.

4. Về thời gian đào tạo. Thời gian đào tạo trung cấp đối với người tốt nghiệp trung học cơ sở còn từ 01 đến 02 năm tùy theo ngành nghề đào tạo (theo quy định hiện hành là từ 3 – 4 năm do phải học thêm văn hóa trung học phổ thông). Đối tượng này không bắt buộc phải học văn hóa phổ thông nếu lựa chọn học thuần túy kỹ năng nghề nghiệp, nếu có nhu cầu học liên thông đại học, cao đẳng thì họ chỉ học văn hóa. Đối với đào tạo ở trình độ sơ cấp, quy định trước đây thời gian đào tạo từ 3 tháng đến dưới 01 năm, không quy định tối thiểu bao nhiêu giờ. Luật lần này quy định thời gian đào tạo từ 03 tháng đến dưới 01 năm, thời gian học tối thiểu 300 giờ. Đối với thời gian học theo tích lũy mô-đun, tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo, không phụ thuộc vào số năm học.

5. Về chương trình đào tạo. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không ban hành chương trình khung đối với từng nghề giống như quy định của Luật Dạy nghề trước đây.

6. Về danh hiệu đối với người học. Với phương thức đào tạo mới, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định đối với chương trình đào tạo theo tích lũy mô-đun, tín chỉ nếu người học tích lũy đủ môn-đun, tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo thì được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, không phải thi tốt nghiệp cuối khóa. Đối với người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành tùy vào ngành nghề đào tạo.

7. Về chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước ưu tiên cho thuê cơ sở vật chất, thiết bị để đào tạo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phân biệt công lập hay tư thục đều được tham gia đấu thầu, đặt hàng đào tạo; vay vốn ưu đãi từ chương trình, dự án trong và ngoài nước; tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý trong và ngoài nước bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước...

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ.

8. Về chính sách đối với người học:

- Người học được miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) khi học trung cấp; đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những ngành nghề đặc thù;

- Người học được hưởng chính sách nội trú đối với người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng

- Người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở hoặc khởi điểm.

9. Về chính sách đối với nhà giáo. Luật quy định rõ tên gọi, chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định hiện hành, nhà giáo dạy nghề không có chức danh, không có thang bảng lương riêng; chính sách tôn vinh, đãi ngộ thiệt thòi.v.v… Khắc phục các bất cập đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về các chức danh đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo đó nhà giáo trong trung tâm giáo giục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên; quy định thang bảng lương gắn với chức danh; quy định rõ chính sách tôn vinh (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú), kéo dài thời gian làm việc với những nhà giáo có trình độ, học hàm học vị, có tay nghề cao. Nhà giáo dạy thực hành, vừa dạy lý thuyết thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

10. Về chính sách đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình, được tổ chức đào tạo để cung cấp lao động cho chính doanh nghiệp và cho xã hội. Doanh nghiệp được liên kết đào tạo với các trường, nhận đơn đặt hàng hoặc đặt hàng các cơ sở dạy nghề. Được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp để tính thu nhập chịu thuế khi doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp...

Trên đây là những nội dung mới hết sức cơ bản, quan trọng của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Luật Giáo dục nghề nghiệp đang tạo ra những cơ hội mới cho các trường nghề và người học nghề, nhất là khi ASEAN trở thành cộng đồng chung vào năm 2015, các nước ASEAN sẽ là một thị trường lao động. Việc công nhận các trình độ đào tạo làm cơ sở cho việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như với các nước trên thế giới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)