Các tin tức giả mạo đang "đại náo" không gian mạng, nhiều người bất chấp phao tin đồn nhằm đạt mục đích hút người xem hay những mục tiêu đen tối khác.
Tin giả hay tin ngụy tạo (fake news) có từ khi con người mới ra đời rồi. Theo một truyền thuyết tôn giáo, con rắn đã dựng tin giả để lừa bà Eva - tổ mẫu loài người ăn trái cấm. Phải đến thời của Internet nối mạng toàn cầu rồi sau đó là thời của mạng truyền thông xã hội "bung lụa" khắp hang cùng ngõ hẻm, tin giả mới thật sự phát huy hết thói hư tật xấu của nó.
"Câu view" và có cả mục đích chính trị
Trong bài viết "Đấu tranh cho sự thật giữa đại dịch tin giả" (Contending for the Truth Amidst the Fake News Epidemic) trên trang chủ của phong trào Lausanne Movement, tác giả Tony Watkins đã thảng thốt mở đầu rằng: "Chúng ta bây giờ đang sống trong một xã hội "hậu sự thật" (post-truth)". Cái thuật ngữ "post-truth" đã được từ điển Oxford Dictionaries chọn là một "từ của năm" (Word of the Year) vào năm 2016 để bổ sung từ mới cho cuốn từ điển tiếng Anh nổi tiếng này.
Giới chuyên môn cảnh báo rằng tin tức giả ngày nay còn lộng hành bởi cái tính háu ăn, háu đói của cộng đồng. Những tác giả mờ mắt vì háo danh, muốn có lượng xem cao. Một khảo sát của Trung tâm Pew ở Mỹ năm 2016 cho thấy có tới 23% người lớn ở Mỹ đã chia sẻ những tin tức giả dù biết hay không.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai điển hình nổi cộm nhất và gần đây nhất về sự ảnh hưởng của tin tức giả đối với xã hội cùng xảy ra trong năm 2016. Đó là chiến dịch chính trị dẫn tới kết quả người cười kẻ khóc của cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về "Brexit" - Vương quốc Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU) và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả "không ngờ". Có thể nói, như trong hai vụ việc này, tin tức ngụy tạo có thể ảnh hưởng tới vận mạng của cả một đất nước.
Các thông tin giả phần lớn xuất hiện trên mạng xã hội gây tổn hại cho nhiều người. Ảnh: TheVerge
Ở Burundi (miền Đông châu Phi) báo chí tố cáo Tổng thống Pierre Nkurunziza đã dùng tin tức giả để tái kích động các căng thẳng sắc tộc và bác bỏ các báo cáo của EU và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) phê phán chính quyền của ông vi phạm nhân quyền.
Còn ở Việt Nam thì cũng không có ngoại lệ nhưng mục đích chính vẫn là "câu view". Chiều 20/7/2017, một cô gái ở Hà Nội đã tung lên mạng Facebook hình ảnh và thông tin nói rằng mới xảy ra một vụ máy bay rơi tại sân bay Nội Bài do mưa quá to. Hay hồi cuối tháng 7/2017, chủ một cửa hàng điện tử ở Đà Nẵng đã bị xử phạt 5 triệu đồng sau vụ câu like bằng tin giả "sờ ngực thiếu nữ để quyên tiền từ thiện" đưa trên Facebook. Trước đó, ngày 12/6/2017, một phụ nữ 26 tuổi ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã bị phạt 12,5 triệu đồng vì tung lên Facebook tin giả bắt cóc trẻ em.
Cuộc chiến chống tin đồn
Katharine Viner, Tổng Biên tập báo Anh The Guardian, than vãn rằng ngày nay có quá nhiều cơ quan tin tức đo lường "giá trị" của thông tin bằng mức độ lan truyền như virus (virality) hơn là về sự thật hay chất lượng.
Có thể nói chính nhờ vụ bê bối về tin tức giả bị coi là "lèo lái" được cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 khiến dư luận Mỹvà thế giới giận dữ đã đánh động nhiều người thuộc nhiều vị trí. Nhiều mạng xã hội, báo online tuyên bố chống tin tức giả. Chẳng hạn, báo New York Times hứa sẽ tập trung lại nội dung của mình vào sự thật và minh bạch. Ông chủ Mark Zuckerberg của mạng Facebook bị coi là "đệ nhất hang ổ tin giả" đã cam kết đưa ra những giải pháp để kiểm tra, lọc và xóa bỏ tệ nạn tin tức giả.
Rút kinh nghiệm của Mỹ, chính phủ CH Czech đã thành lập một đơn vị chuyên đối phó với nạn tin tức giả để bảo đảm an toàn cho cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2017.
Để không trở thành nạn nhân của tin tức giả, người dùng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng phải ráng luyện cho mình thái độ tỉnh táo trước mọi loại thông tin, càng hấp dẫn và càng xúc động bao nhiêu, càng bình tĩnh hơn bấy nhiêu. Muốn xác định thông tin thật giả, ta nên truy cập các trang, các tài khoản có uy tín. Đồng thời nên kiểm tra chéo bằng càng nhiều nguồn tin khác nhau càng tốt. Tốt cho tất cả là không bao giờ chia sẻ (share) bất cứ thông tin nào mình vừa nhận được mà chưa thể xác định có thật và có lợi. Chơi Facebook thì phải có trí tuệ và có trách nhiệm mới trị được con bạch tuộc tin tức giả.
Cộng đồng lớn thành cơ hội cho kẻ phao tin
Theo trang Diễn đàn kinh tế số (DEF), vào năm 2016 thế giới có hơn 3,4 tỉ người dùng Internet (tức có tới hơn 46% số dân toàn cầu online) và con số đang gia tăng theo từng giây. Với cộng đồng người dùng mạng quá lớn và rộng khắp thế giới (như Facebook hiện có hai tỉ người dùng thực tế hằng tháng, YouTube thu hút hơn 15 tỉ lượt người xem mỗi tháng, Twitter có hơn 340 triệu người dùng thực tế,…), tin giả có sức lan tỏa nhanh và rộng khủng khiếp.