Thời gian gần đây, các vụ khủng bố liên tiếp diễn ra ở châu Âu, đặc biệt ở Anh, được xác định chủ yếu bắt nguồn từ sự kích động hận thù trên mạng xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của chính phủ các nước, mạng xã hội Facebook mới đây triển khai chương trình tại Anh mang tên “Sáng kiến công dân trực tuyến dũng cảm” nhằm đào tạo và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức địa phương để ngăn chặn truyền bá các tài liệu cực đoan trên mạng.
Những lời ma mị “lướt sóng” internet
Với sự ra đời của mạng xã hội, con người đã xích lại gần nhau hơn. Giữa họ dường như không còn khoảng cách, không phân biệt họ là ai, giàu hay nghèo... Trên mạng xã hội, ai cũng có thể công khai bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề, hiện tượng nào đó.
Lợi dụng sự phát triển về công nghệ, nhiều tổ chức khủng bố đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền tư tưởng cực đoan, thù hằn dân tộc, kích động bạo lực. Theo AP, mới đây, ngày 12-6, một đoạn băng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) được đăng tải trên ứng dụng nhắn tin Telegram có nội dung như sau: “Hỡi những người anh em mang đức tin và tín ngưỡng tại châu Âu, Mỹ, Nga, Australia và những nơi khác, những người đồng hương của các anh em đã làm rất tốt. Hãy coi họ là một tấm gương để hành động”. Dù nội dung thông điệp trên đang được xác thực, nhưng giọng nói trong đoạn ghi âm được cho là của Abi al-Hassan al-Muhajer - người phát ngôn của IS.
Giới chuyên gia an ninh mạng cho rằng, cứ vào dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, IS lại kêu gọi các phần tử thánh chiến tham gia các cuộc tiến công khủng bố thông qua mạng xã hội. “Chiêu thức này không hề mới song cho đến nay vẫn được các nhóm khủng bố sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, bọn khủng bố lựa chọn Ramadan là thời điểm để ra tay nhằm tạo tiếng vang”, một chuyên gia an ninh mạng của Anh cho hãng tin Reuters hay.
Vì lẽ đó lời kêu gọi của al-Muhajer không chỉ xuất hiện trên Telegram mà còn trên cả trang YouTube. Với tựa đề “Những chú sư tử dã chiến đâu rồi?”, lời nhắn trong video trên YouTube có nội dung kêu gọi tiến công. Đoạn video cũng đề cập vụ đánh bom ngày 22-5 vừa qua tại sân vận động Manchester Arena ở Anh, rằng “cuộc tiến công ấy không nên bị coi thường”.
Cùng với IS, mạng lưới Al-Qaeda cũng tận dụng tối đa mạng xã hội để truyền bá, kích động những “con sói đơn độc” tiến hành khủng bố. Trong một thông điệp trên ứng dụng tin nhắn Telegram, Hamza bin Laden (28 tuổi) - con trai của trùm khủng bố Osama Bin Laden, đã thúc giục những kẻ hành động đơn độc hãy tử vì đạo ở các nước phương Tây, kêu gọi “trả thù”. Các thông điệp kiểu này thậm chí còn được bổ sung hướng dẫn về cách thực hiện tiến công liều chết.
Theo báo cáo của tình báo Pháp, hầu hết thủ phạm gây ra các vụ tiến công ở châu Âu thời gian gần đây đều có mối liên hệ với IS. Những “con sói đơn độc” này đã thực thi những lời “hiệu triệu” của IS trên mạng xã hội.
Các “đại gia” công nghệ vào cuộc
Việc ngăn chặn truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động hận thù trên các trang mạng xã hội là nhiệm vụ không chỉ đối với chính phủ các nước mà còn là trách nhiệm của các hãng công nghệ lớn. Mới đây, mạng xã hội Facebook - tới sáng ngày 27-6 chính thức có 2 tỷ người dùng, đã triển khai chương trình tại Anh mang tên “Sáng kiến công dân trực tuyến dũng cảm” nhằm đào tạo, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức địa phương ngăn chặn truyền bá các tài liệu cực đoan trên mạng. Chương trình này được triển khai từ ngày 23-6, bao gồm việc đào tạo các tổ chức phi chính phủ để giúp họ giám sát và phản hồi nội dung cực đoan, cũng như thiết lập văn phòng hỗ trợ để họ có thể liên lạc trực tiếp với Facebook.
Trước đó, Facebook còn sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm kiếm, gỡ bỏ các nội dung tuyên truyền cho khủng bố, đồng thời cam kết không để những nội dung này xuất hiện trên dịch vụ của công ty. Dẫn lời Giám đốc phụ trách chính sách của Facebook Simon Milner, AFP cho biết, việc sử dụng tính năng kết nối giữa kỹ thuật với con người sẽ cho phép Facebook có thể nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những nội dung liên quan khủng bố, và trong trường hợp khẩn cấp, khi phát hiện những dấu hiệu liên quan vấn đề này, Facebook sẽ có các hình thức cảnh báo cơ quan chức năng.
Sở dĩ Facebook lựa chọn Anh là nơi triển khai chương trình “Sáng kiến công dân trực tuyến dũng cảm” bởi Anh là nơi liên tục xảy ra các vụ tiến công khủng bố thời gian vừa qua. Chính phủ Anh đã nhiều lần chỉ trích các công ty internet không hành động nhanh chóng để gỡ bỏ các tài liệu tuyên truyền cho chủ nghĩa cực đoan trên mạng, tạo ra “các khu vực an toàn” để các phần tử cực đoan có thể gieo rắc mầm mống cho hàng loạt vụ tiến công khủng bố trong những tháng gần đây tại Thủ đô London và thành phố Manchester. Còn nghị sĩ Keith Vaz, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối nội của Quốc hội Anh, cáo buộc các diễn đàn trao đổi và các mạng xã hội chính là “nguồn sống” của IS và các nhóm khủng bố khác trong việc tuyển chọn chiến binh, cung cấp tài chính cũng như truyền bá ý thức hệ cực đoan.
Chính vì vậy, mới đây tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh Theresa May đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu cùng nhau gây áp lực lên các công ty công nghệ để xóa bỏ hoàn toàn các tài liệu khủng bố trên internet bằng tất cả các ngôn ngữ. Bà cũng kêu gọi các nhà mạng thay vì chỉ gỡ bỏ nội dung khi nhận được thông báo, hãy sử dụng nhiều hơn các công cụ phát hiện, gỡ bỏ tự động nội dung, và cuối cùng là ngăn ngừa chúng xuất hiện trên các nền tảng này.
Đáp lại, Facebook, Google, Twitter đều khẳng định đã đầu tư mạnh và thuê hàng nhìn nhân viên để gỡ bỏ các tuyên bố mang tính kích động thù hận và bạo lực trong suốt hai năm qua. Thông báo của Twitter cho biết, trong khuôn khổ cuộc chiến chống lại việc phát tán kích động chủ nghĩa khủng bố, công ty đã đóng 400.000 tài khoản trong sáu tháng cuối năm ngoái. Trong sáu tháng đầu năm nay, công ty đã đóng 235.000 tài khoản. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song nỗ lực của các tập đoàn công nghệ toàn cầu này cũng đã góp phần làm giảm mạnh việc lợi dụng các mạng xã hội để tuyển mộ các tay súng thánh chiến.