Cách mạng công nghiệp 4.0 và nguy cơ lộ lọt thông tin mạng

Thứ năm, 24/08/2017 08:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhận thức của xã hội và người dân chưa cao trong vấn đề bảo vệ dữ liệu trên mạng, gây ra nhiều thách thức vì lộ lọt thông tin, đặc biệt là hành vi của người dùng có thể được sử dụng vào mục đích xấu.

20170806-n9.jpg

Nhận thức của xã hội và người dân chưa cao trong vấn đề bảo vệ dữ liệu trên mạng là thách thức lớn

Trao đổi về định hướng chiến lược phát triển hạ tầng CNTT trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, tại hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, đại diện Viện Chiến lược TT&TT nhấn mạnh: trong cuộc cách mạng 4.0, thực tế cần bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng băng thông rộng, giá rẻ và mọi người dân đều có thiết bị truy nhập mạng.

Các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam cần triển khai nhanh chóng mạng thông tin di động 4G - LTE trên diện rộng. Đây là điều kiện tiên quyết vì cơ sở hạ tầng băng thông rộng là nền tảng cho nển kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Về thiết bị truy cập của người dân, Việt Nam hiện đã có 50% số dân truy nhập Internet. Các doanh nghiệp điện tử, CNTT của Việt Nam như VNPT Technolgy, Viettel... cần tập trung đầu tư và sản xuất smartphone với giá thấp, là cơ hội để Việt Nam xoá bỏ khoảng cách số với các nước phát triển.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp viễn thông, tạo động lực để cạnh tranh hơn nữa, tiếp tục giảm giá cước dịch vụ viễn thông để nâng cao khả năng truy cập của người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một hệ thống trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây để triển khai nhanh và toàn diện mô hình thuê dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không cần thiết phải xây dựng hệ thống CNTT riêng biệt, dần giải quyết bài toán kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Cũng theo đại diện Viện Chiến lược TT&TT, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, IoT (Internet kết nối vạn vật) không chỉ là công nghệ cảm biến, mà là một hệ thống các thiết bị được kết nối với nhau để hỗ trợ những chiếc xe tự lái, smartphone trở thành trợ lý cá nhân, hỗ trợ đa dạng các ứng dụng trong nhà…; trí tuệ nhân tạo sẽ được liên kết các hệ thống với nhau, cung cấp các dịch vụ IoT xuyên biên giới.

Vì thế, tiêu chuẩn và kết nối liên thông là vấn đề sống còn của cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra hiện nay vấn đề được đặt ra là kết nối để chia sẻ dữ liệu giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Thách thức ở Việt Nam đó là sự nhận thức của xã hội và người dân chưa cao trong việc bảo vệ dữ liệu.

Điều này gây ra nhiều thách thức vì lộ lọt thông tin, đặc biệt là hành vi của người dùng có thể được sử dụng với cả mục đích xấu. Do đó tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải bảo đảm chủ quyền số của quốc gia đó là việc bảo vệ dữ liệu của quốc gia và ngăn chặn việc phá hoại cơ sở hạ tầng số của quốc gia.

Để đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới, bên cạnh việc khai thác tiềm lực của CNTT, viễn thông, Internet, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể, toàn diện, phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia.

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đối phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa từ không gian mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông khuyến cáo cần nâng cao nhận thức, kiến thức về CNTT bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của người dùng khi tham gia vào môi trường mạng để xây dựng môi trường thông tin, môi trường mạng lành mạnh.

Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về CNTT, an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia…

attt

Nguồn: mic.gov.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)