Các thách thức về an toàn thông tin và an ninh mạng ngày một hiện hữu song hành cùng sự tiến bộ của khoa học công nghệ và phổ cập rộng rãi các ứng dụng trong môi trường internet kết nối vạn vật đã gây tổn thất lớn cho cá nhân, doanh nghiệp.
Toàn cảnh Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2017 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thông
Các cảnh báo này tiếp tục được các nhà quản lý và chuyên gia về an ninh mạng đưa ra tại Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2017 vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), trong những năm qua, các cơ quan của Chính phủ đã ban hành nhiều quy định luật lệ về an toàn thông tin, nhiều chỉ dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp mỗi khi xuất hiện các nguy cơ tấn công mạng, ban hành các quy định về đảm bảo cấp độ an toàn hệ thống…, tuy nhiên việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin ở các địa phương, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Vấn đề an toàn thông tin một lần nữa lại được đặt lên hàng đầu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số, trong đó điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng kiến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ cũng là những cơ hội để tội phạm công nghệ cao khai thác tấn công mạng, thách thức các người dùng đầu cuối, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp...
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016, Việt Nam phát hiện 135.190 cuộc tấn công mạng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015, trong đó có 10.276 cuộc tấn công lừa đảo, 47.135 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 77.779 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Trong đó, có 201 cuộc tấn công thay đổi giao diện vào các hệ thống có tên miền “gov.vn”.
Riêng trong nửa đầu năm 2017, Trung tâm VNCERT ghi nhận 6.303 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm 1.522 cuộc tấn công lừa đảo, 3.792 cuộc tấn công cài đặt phần mềm độc hại và 989 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin sử dụng tên miền “gov.vn” trong 6 tháng đầu năm 2017 là 25 cuộc.
Bên cạnh các nguy cơ tấn công mạng như lây nhiễm mã độc, xâm nhập hệ thống lấy cắp dữ liệu, tấn công có chủ đích… thì sự xuất hiện các nguy cơ mã độc tống tiền đã trở nên ngày một tinh vi và gây tổn thất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Các cơ sở hạ tầng công nghệ như hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, ứng dụng cho thương mại điện tử, hệ thống camera cảnh báo… cũng trở thành "đích ngắm" của các tin tặc và tội phạm mạng. Đặc biệt, lỗ hổng bảo mật wifi mới đây gây lo ngại sâu sắc cho người dùng đầu cuối.
TS. Võ Văn Khang Phương - Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam cho biết, phương thức tấn công của tin tặc và tội phạm mạng phổ biến trong những năm gần đây là qua môi giới (broker), sử dụng quảng cáo, spam bằng email… Đây là bước đi đầu trong quá trình xâm nhập vào hệ thống máy tính của cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan. Ngoài ra, các cuộc tấn công mạng với đủ thể loại và hình thức ngày càng tinh vi, nguy hiểm vẫn không ngừng gia tăng qua từng năm.
Báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế về chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam đứng vị trí 101 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá. Như vậy, việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhiều thách thức..., đòi hỏi cần có sự thay đổi về nhận thức và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nghiệp và toàn xã hội trong thời gian tới.