Yêu cầu hiển thị trạng thái xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của bộ, tỉnh

Thứ năm, 09/01/2020 08:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Yêu cầu Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh tại mỗi bước giải quyết thủ tục hành chính phải hiển thị trạng thái xử lý hồ sơ tương ứng là một điểm mới của Thông tư 22 vừa được Bộ TT&TT ban hành, sẽ có hiệu lực từ 20/2/2020.

Thông tư 22 của Bộ TT&TT quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2020 (Ảnh minh họa: Internet)

Thông tư 22 của Bộ TT&TT quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, được áp dụng cho các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp giải pháp, xây dựng, phát triển, vận hành Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Theo Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, cùng với quy định về hiển thị trạng thái khi xử lý theo trình tự các bước xử lý thủ tục hành chính, Thông tư mới của Bộ TT&TT cũng bổ sung các quy định về kết nối, liên thông với các hệ thống khác, gồm có: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ; các hệ thống thông tin nội bộ của các bộ, tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, tại Thông tư 22, tiêu chí an toàn thông tin cũng đã được Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT viết lại bảo đảm tuân thủ Nghị định 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Thông tư 03 ngày 24/4/2017 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85.

Đồng thời, quy định rõ tiêu chí về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính để phân biệt giữa Thông tư 32 của Bộ TT&TT và Thông tư số 01 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm không bị trùng lặp; quy định chi tiết về chức năng tiếp nhận/ trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính/ bưu chính công ích.

“Những tiêu chí, quy định trước đây trong Quyết định 1697 đã được biên tập lại và sắp xếp lại để bảo đảm sự rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật - Thông tư; lược bỏ một số tiêu chí trước đây đã quy định nhưng chưa hợp lý. Đồng thời, bổ sung thêm một số tiêu chí khác như: sẵn sàng hỗ trợ IP V6; chức năng in (in các loại Phiếu theo quy định); hồ sơ, thành phần hồ sơ do người dân nộp sau khi được cơ quan nhà nước xác thực tại các bước giải quyết thủ tục hành chính phải được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu để sử dụng lại (khi cần thiết)…”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc xây dựng và ban hành Thông tư 22 quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh, Thông tư này đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu và bắt buộc về mặt chức năng, hiệu năng, an toàn bảo mật, kết nối hệ thống và trải nghiệm người dùng mà các Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải đáp ứng.

Ví dụ như, về trải nghiệm người dùng: giao diện với người sử dụng đầu cuối dựa trên nền tảng web; hỗ trợ người sử dụng cuối sử dụng thiết bị cầm tay thông minh; người sử dụng dễ dàng tìm được dịch vụ sau tối đa 3 lần bấm chuột từ trang chủ; có tín hiệu thể hiện trạng thái hệ thống đang xử lý thông tin như tín hiệu có thể là hình quay tròn, đồng hồ cát...; hỗ trợ điền thông tin đã có…

“Khi đáp ứng các tiêu chí theo Thông tư 22 sẽ bảo đảm chất lượng của Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, loại bỏ được các phần mềm nhỏ lẻ, phần mềm không còn được hỗ trợ. Với các phần mềm đạt chất lượng sẽ cung cấp các hướng dẫn, tiện ích cho người dân sử dụng DVC trực tuyến; cung cấp công cụ hỗ trợ đầy đủ cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp công cụ giám sát, chấm điểm, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan, cán bộ/công chức/viên chức”, đại diện Cục Tin học hóa nêu.

Thông tư 22 của Bộ TT&TT cũng quy định rõ, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2020, Thông tư này bãi bỏ Quyết định 1697 ngày 23/10/2018 ban hành bộ tiêu chí thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử (phiên bản 1.0). Các bộ, ngành, địa phương chỉnh sửa, nâng cấp Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cho phù hợp với các tiêu chí quy định tại Thông tư 22 bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Hiện tại, có 8 đơn vị có Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã được đánh giá và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT. Theo Cục Tin học hóa, với 8 đơn vị này sẽ cần thực hiện việc đánh giá hồi quy - chỉ đánh giá phần khác biệt giữa Quyết định 1697 và Thông tư 22. Cục Tin học hóa đã xây dựng các bài đo để chuẩn bị cho việc đánh giá.

Đối với các đơn vị đang trong giai đoạn thiết kế Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, nếu thiết kế đã lấy các tiêu chí theo Quyết định 1697 để làm yêu cầu thì cần cập nhật theo quy định tại Thông tư 22.

“Theo đánh giá của chúng tôi, với hình thức đầu tư các Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử hiện nay chủ yếu là thuê dịch vụ hoặc một số đơn vị tự phát triển thì việc chỉnh sửa phần mềm trong vòng 7,5 tháng là hoàn toàn khả thi”, đại diện Cục Tin học hóa nhận định.

toanld

Nguồn: ICTNews

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)