Năm 2021, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực cùng chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030. Để hướng tới những mục tiêu lớn nhằm thay đổi đất nước, chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, bốn vấn đề chính trong chuyển đối số là: Làm chủ hạ tầng số; Làm chủ các nền tảng số; Làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp và Làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”. Theo đó, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ năng lực để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyển đổi số góp phần xây dựng xã hội số, thúc đẩy mạnh mẽ và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số có tác động rõ rệt và bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội và đối với doanh nghiệp, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, là “chìa khóa” giúp giải quyết nhiều “bài toán khó” trong quá trình quản lý và vận hành.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, mục đích của doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số là tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng ưu thế cạnh tranh, tìm kiếm và thu hút khách hàng, mở rộng kênh phân phối, tự động hóa quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Đây cũng chính là những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, nhờ đó các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và kịp thời để không bỏ lỡ những cơ hội trong đầu tư, kinh doanh.
Trong thời đại kỷ nguyên số, công nghệ không còn là công cụ mà phải được coi là vấn đề chiến lược, doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện để tồn tại và không bị tụt hậu. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã phá sản vì không thể thích ứng và thay đổi để theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng. Cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số là như nhau và cuộc đua số hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với đích đến là tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện thị phần của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà đó phải thực sự là việc thay đổi cách thức hoạt động của toàn bộ tổ chức với nền tảng công nghệ mới, hướng đi mới và mô hình tổ chức mới để có được những bước tiến đột phá và sáng tạo.
Mobile Money hay còn được gọi là tiền di động.
Để làm được điều này, những nhà lãnh đạo cần nhận thức sâu sắc là doanh nghiệp mình đang có gì và đang cần gì. Việc nắm rõ doanh nghiệp đang có gì nhằm đánh giá về mức độ sẵn sàng thay đổi và khả năng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Song song với đó, doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mình là gì, từ đó lên lộ trình và vạch ra những việc cần làm để tiến hành chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật phản hồi, xây dựng hệ thống báo cáo, phân tích và đánh giá hiệu quả, qua đó, không ngừng học hỏi, nâng cấp và lựa chọn công nghệ phù hợp để áp dụng rộng rãi và lâu dài, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Vinh, trong quá trình chuyển đổi số có thể vẫn chưa đạt tới thành công nếu chưa tìm được hướng đi đúng với công nghệ phù hợp, nhưng nếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ chắc chắn thất bại và không thể trụ lại thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số là một chiến lược trọng tâm, là nhiệm vụ của toàn tổ chức và nghiêm túc thực hiện. Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, với đội ngũ nhân sự trẻ đầy tài năng và sức sáng tạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số và khai thác các nguồn lực tiềm ẩn.