BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
_________________
Số: 4508/QĐ-BGTVT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________________
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải
________________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1160/QĐ-BGTVT ngày 04/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 3940/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ sung nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho Vụ Pháp chế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Tư pháp;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- Các Hiệp hội trong lĩnh vực GTVT;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2016 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BGTVT ngày tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP), Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 nhằm thu thập thông tin, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thông qua đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông vận tải.
2. Yêu cầu
a) Triển khai đồng bộ việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông vận tải theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông vận tải.
b) Đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
c) Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đưa công tác này vào nề nếp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
II. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, lập danh mục các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, kế hoạch xây dựng văn bản của Chính phủ và của Bộ.
2. Thống kê, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính là cơ sở để đánh giá tình hình, dự báo xu hướng vi phạm pháp luật hành chính, đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn thiện chính sách, pháp luật, phục vụ công tác báo cáo thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
3. Phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các đơn vị
a) Vụ Pháp chế
- Là đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi của Bộ.
- Theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải.
- Thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được giao theo Phụ lục kèm theo của Kế hoạch này.
- Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Giao thông vận tải định kỳ 06 tháng và hàng năm.
b) Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ
- Đảm bảo đầy đủ các nguồn lực để thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Chủ động tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
- Tổng hợp, báo cáo Bộ (qua Vụ Pháp chế) kết quả thực hiện theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng và hàng năm.
c) Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Triển khai công tác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Tổng hợp, báo cáo bộ (qua Vụ Pháp chế) về công tác xử phạt vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng và hàng năm.
d) Các Vụ thuộc Bộ
Phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý.
đ) Vụ Tài chính
- Tổng hợp dự toán ngân sách chi cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đảm bảo đủ kinh phí cho hoạt động của công tác này.
2. Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do ngân sách nhà nước cấp hàng năm và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật./.