Nguy hại khôn lường của việc hút thuốc lá thụ động

Chủ nhật, 08/09/2024 11:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 600.000 người tử vong do hít thuốc lá thụ động và 64% số ca tử vong do hít thuốc lá thụ động là nữ giới. Tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây ung thư ở người lớn,
tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Hút thuốc lá thụ động là hít phải khói thuốc lá của người khác thải ra khi đứng cạnh hay ngồi gần người hút.

Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh việc hít thở không khí chứa khói thuốc (hút thuốc thụ động) là tác nhân gây ung thư ở người lớn, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ, thai chết lưu ở bà bầu và còn nhiều bệnh tật khác.

Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá thụ động có nghĩa là hít phải khói thuốc lá của người khác thải ra khi đứng cạnh hay ngồi gần người hút. Người hít phải khói thuốc cũng được xem như một người “hút thuốc”.

Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Theo phân tích của các chuyên gia y tế, khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra 4 dòng khói: Khói thuốc do người hút thuốc lá hút trực tiếp vào cơ thể (dòng khói chính); Khói thuốc cháy ở đầu điếu thuốc lá tỏa ra môi trường; Luồng khói do người hút thuốc hút vào và thở ra môi trường và tàn dư của khói thuốc lá lơ lửng trong môi trường sau khi hút thuốc lá.

Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại còn lại (dòng khói phụ). Khói thuốc lá có thể lây lan khắp nhà, không bị giới hạn trong các khu vực nhất định, thậm chí cả khi mở cửa sổ.

Bác sĩ Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y dược và Trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT) cho rằng, hầu như 85% của khói thuốc lá là vô hình, khói thuốc lá có thể tồn tại trong phòng 2,5 giờ, kể cả khi đã mở cửa sổ. Các biện pháp thường được thực hiện như hút thuốc lá ngoài cửa sổ hoặc hút thuốc bên cạnh máy quạt, đều không hiệu quả trong việc đuổi khói ra khỏi nhà. Khói thuốc có thể lưu lại trên thảm, đồ nội thất và các bức tường. Những vật liệu này hấp thụ các chất độc trong khói thuốc lá và dần dần nhả chúng trở lại không khí, tạo thêm nguy cơ tiếp xúc lần hai. Trong không gian kín, ô nhiễm thuốc lá không thể bị loại bỏ khi sử dụng các phương pháp làm sạch thông thường hoặc thông gió. Mặc dù tác động của việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng do trẻ em không thể kiểm soát được hành vi trong lúc chơi đùa ăn uống nên dễ dàng xảy ra trường hợp trẻ em ăn phải thức ăn có nồng độ khói thuốc cao.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khói thuốc là một chất độc phổ biến trong nhà. Những người hít phải khói thuốc chịu ảnh nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Nếu bạn hút thuốc trong nhà (dù có mở cửa sổ), các hóa chất độc hại trong khói thuốc vẫn ở lại trong không khí ngay cả sau khi bạn đã hút xong. Do đó, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim. Có bằng chứng cho thấy, những người không hút thuốc nhưng sống trong gia đình đầy khói thuốc lá, có nguy cơ mắc bệnh tim, mạch vành cao hơn so với những người không sống trong môi trường có khói thuốc.

Trải qua nhiều năm, khói thuốc thụ động làm chất béo tích tụ trên thành mạch máu, làm thu hẹp và làm cứng chúng gây ra viêm. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau tim. Đa số các ca tử vong do khói thuốc lá là do bệnh tim mạch. Những người có yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch như: tiểu đường, huyết áp cao và bệnh mạch máu có nguy cơ lớn hơn từ tiếp xúc với khói thuốc. 

Chỉ cần 30 phút phơi nhiễm với khói thuốc có thể ảnh hưởng điều tiết lưu lượng máu trong mạch máu của bạn, đến một mức độ tương tự như thấy ở những người hút thuốc. 

Đáng nói, những người không hút thuốc bị tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động có 20-30% nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư phổi.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc/ngày.

Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo những người hút thuốc lá từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà, tại các địa điểm cấm hút thuốc lá để không gây hại tới sức khỏe những người khác.

PV
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)