Hút thuốc lá có thể gây sưng viêm và hẹp đường thở khiến tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến sự tắc nghẽn đường hô hấp. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng và thậm chí tử vong ở cả người lớn và trẻ em. Ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến.
Người bệnh ngưng thở có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, xảy ra nhiều lần trong một giờ. Bệnh gây suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, làm suy giảm hiệu suất công việc. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng là yêu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa và ung thư theo một số nghiên cứu.
Hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng ngáy to, mệt mỏi sau khi thức dậy, buồn ngủ vào ban ngày, bồn chồn, đau đầu, mất tập trung, suy giảm trí nhớ.
Ngừng thở khi ngủ kéo dài nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời
có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ngưng thở khi ngủ như tuổi cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, bất thường về cấu trúc giải phẫu ở sọ mặt và đường hô hấp trên, thừa cân, béo phì, uống bia rượu thường xuyên, hút thuốc lào, thuốc lá, xì gà...
Về nguyên nhân hút thuốc gây nên hội chứng khi ngủ, Ủy ban Kiểm soát Hiệp hội Hô hấp châu Âu khẳng định người hút thuốc có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao gấp đôi so với người không hút thuốc. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ phát triển tình trạng này nếu bố mẹ hút thuốc trước, trong và sau thai kỳ.
Việc hút thuốc lào, thuốc lá, xì gà... làm kích ứng viêm biểu mô niêm mạc đường hô hấp, sưng nề dẫn đến phù nề, làm hẹp đường dẫn khí. Điều này cản trở không khí lưu thông, hiệu quả cung cấp oxy và đào thải khí cacbonic bị giảm sút.
Hóa chất trong khói thuốc gây độc tế bào, khiến phế nang mất tính đàn hồi, thu hẹp dung tích phổi, cản trở không khí di chuyển trong đường hô hấp. Nicotine trong khói thuốc có thể làm tê liệt hoạt động lông mao của đường thở, khiến chất nhầy, các bụi bẩn, vi trùng... tích tụ khó bị đào thải ra ngoài, dễ dẫn đến viêm nhiễm, tắc nghẽn. Đồng thời, phản xạ bảo vệ thần kinh cơ của đường hô hấp cũng suy giảm, trương lực cơ giảm, không đảm bảo giữ được lòng ống dẫn khí đủ thông thoáng khi ngủ, cản trở sự trao đổi khí. Phản ứng đánh thức - một bản năng tự kích thích tỉnh giấc của cơ thể khi hơi thở bị suy yếu cũng giảm, làm tăng thời gian ngừng thở, giảm thở ở người bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng ức chế hô hấp, kích thích thanh quản, tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ, trên 101.800 trẻ em 3-18 tuổi tiếp xúc với khói thuốc thụ động cho thấy tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ cao gấp 1,48 lần so với trẻ không tiếp xúc. Bố, mẹ hút thuốc trước, trong và sau thai kỳ cũng khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nguy cơ phát triển hội chứng này.
Để tránh bị ngưng thở khi ngủ và những rủi ro sức khỏe, mọi người nên bỏ thói quen uống rượu bia, hút thuốc, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya hoặc sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, tập thể dục thường xuyên duy trì cân nặng hợp lý.