Ngày 18/10, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ GTVT đã có báo cáo nhanh về thiệt hại do mưa lũ gây ra tại miền Trung và ứng phó với cơn bão số 7 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo của các đơn vị trong ngành GTVT về thiệt hại ban đầu do mưa lũ đối với cơ sở hạ tầng giao thông tính đến ngày 18/10/2016, cụ thể như sau:
Về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại miền Trung, đối với lĩnh vực đường bộ: Tại tỉnh Nghệ An, trên Quốc lộ 48E, tại Km61+800 (Xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) nước ngập 1,5m, vẫn cấm không cho các phương tiện lưu thông; Km225+00 đến Km225+500 (xã Nghi Hoa và xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) nước từ kênh Nhà Lê tràn qua mặt đường nước chảy xiết, ngập 0,4m, đoạn ngập dài 400m (cầu Phương Tích mới) vẫn cấm không cho các phương tiện lưu thông. Đường tỉnh 542E: Tại Km5+500 đến Km6+00 (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên) nước ngập 0,4m, chỉ cho xe tải lưu thông.
Tại tỉnh Quảng Bình: Quốc lộ 9B, tại Ngầm Khe Giữa Km41+980 nước ngập sâu 0,4-0,5m (chỉ có xe gầm cao đi qua), có 04 điểm sạt lở taluy dương, đã khắc phục xong. Quốc lộ 15, tại Ngầm Bùng Km562+200 vẫn đang ngập nước có chiều sâu từ 0,7÷1,0m, chiều dài 200m gây ách tắc giao thông.
Tỉnh Thừa Thiên Huế, Quốc lộ 49B đoạn Km8-Km9+200 ngập nước 0,4-0,5m, nước chảy xiết, gây ùn tắc giao thông.
Kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại dự kiến 130 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực đường sắt, mưa lũ đã gây ảnh hưởng đến tuyến đường sắt Bắc Nam từ Nghệ An đến Quảng Bình khoảng 200km chiều dài. Thiệt hại do nước ngập trên đỉnh ray 300-350mm, nhiều đoạn trôi nền đường, nền đá, trôi 01 cống bê tông, sạt lở mái taluy; đường sắt Bắc Nam bị ách tắc từ 12h40’ trưa ngày 14/10. Phạm vi ảnh hưởng 30 ga, 14 khu gian bị ảnh hưởng trực tiếp; 29 điểm sạt lở lớn.
Sơ bộ vị trí thiệt hại: Km452+500 - Km453+050 khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn: Xói trôi nền đá và nền đường đắp sâu từ 40 – 70cm (hiện tại đang ngập sâu). Hiện nay nước còn ngập sâu, chảy xiết, hiện tại chưa nắm được khối lượng chi tiết; Km456+000 - Km456+090: Nước sông Gianh dâng cao, nước ngầm trong sườn núi chảy qua nền đường làm sạt lở mái taluy phải phong tỏa khu gian Ngọc Lâm – Lạc Sơn từ 16h00 ngày 14/10/2016; Km 396+250 - Km 396+650 khu gian Phúc Trạch - La Khê: nước đã rút, trôi đá đến mui luyện đã được khắc phục tạm thời để chạy tàu, tốc độ chạy tàu V=10Km/h có dẫn đường; Km 400+700 - Km 402+880 khu gian Phúc Trạch - La Khê: trôi đá sạt nền đường đã được khắc phục tạm thời, tốc độ chạy tàu V=10Km/h có dẫn đường; Khu gian Hương Phố - Phúc Trạch: Từ Km 389+000 đến Km 393++000 tốc độ chạy tàu V=10Km/h; Khu gian Tân Ấp - La Khê: Sạt lở, xói nền đường Km 405+450 - 406+200. Lúc 7h00 ngày 17/10/2016, trả đường tốc độ V=10Km/h; Khu gian Đồng Chuối - Kim Lũ: Sạt lở ta luy dương, Km 418+570-418+590. Giải toả khu gian lúc 9h00 ngày 16/10/2016; Trả đường tốc độ khu gian; Khu gian Kim Lũ - Đồng Lê Sạt lở, xói nền đường Km 434+200 - 434+450. Lúc 7h46 ngày 17/10/2016, trả đường tốc độ V=10Km/h…
Hệ thống TTTH đường sắt có cột điện phụ số 398 mắc cho cáp đồng cáp quang thiết bị dự án Vinh - Sài Gòn bị gãy gốc cột, gốc dây co bung cả; Cột điện phụ số 399 phụ bị xói lỡ trôi hoàn toàn cả cột, cả cáp xuống sông hoàn toàn; Cột 398, 399 cột thông tin bị xói lỡ xung quanh khu vực cột rất nghiêm trọng;
Tổng số nhân lực tham gia cứu chữa 1020 người và máy móc thiết bị thường trực (máy đa năng: 03 cái, go òng máy: 04 cái, xe cẩu: 05 cái, xe tải: 05 cái, máy chèn: 06 cặp).
Hệ thống TTTH đường sắt đã được khắc phục và hoạt động bình thường.
Đối với lĩnh vực hàng hải, chìm 02 tàu SB, 01 tàu bị mắc cạn (sắp chìm); hiện tại mất tích 0,1 thuyền viên; 02 phao tiêu hàng hải trôi mất; 08 phao trôi dạt.
Lĩnh vực đường thủy nội địa, hiện có 03 nhà Trạm bị nước lũ ngập 1/3 tầng 1. Nhà cửa của cán bộ, công nhân viên nhiều đơn vị bị ngập lụt nặng, đời sống, sinh hoạt gặp khó khăn. Trên các tuyến luồng đường thuỷ nội địa đảm bảo an toàn thông suốt. Hệ thống báo hiệu, có 12 phao giới hạn luồng bị cuốn trôi; 27 cột, biển báo hiệu bị trôi mất, 25 cột bị nghiêng đổ; 08 biển, 08 cột sắt và 06 cột bê tông cốt thép bị hỏng. Có 65m chân kè bị xói lở. Tổng kinh phí thiệt hại sơ bộ ước tính khoảng 1,05 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở GTVT, Cục QLĐB II và các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng vệ sinh mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe. Chỉ đạo các Cục Đường sắt, Đường thủy nội địa VN, Tổng công ty Đường sắt VN…khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa, lũ để đảm bảo hoạt động giao thông vận tải trở lại bình thường. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải VN phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức TKCN ngay từ sáng ngày 15/10 và đang tiếp tục TKCN 05 thuyền viên mất tích.
Triển khai Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7, Bộ GTVT đã có Công điện số 48/CĐ-BGTVT ngày 17/10/2016 chỉ đạo đến các đơn vị.
Trên đây là báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ GTVT tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra để Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai biết và chỉ đạo./.