Đường bay cao tốc và bài toán gỡ tắc trên bầu trời Tân Sơn Nhất

Thứ ba, 18/10/2016 08:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Việc thiếu vị trí đỗ, quá tải hoạt động của ống lồng và xe thang khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ tắc dưới đất mà còn kẹt trên trời khiến nhiều máy bay thường xuyên phải bay vòng vòng trên trời từ 15-20’ tới cả tiếng đồng hồ. Bài toán không dễ giải cho các kiểm soát viên không lưu này ít nhiều sẽ được gỡ khi Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) đẩy mạnh khai thác đường bay cao tốc cũng như phương thức quản lý bay mới trong tháng 11.

Trả lời phỏng vấn một số cơ quan truyền thông, ông Đinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM cho biết: 

- Đường bay cao tốc, song song, một chiều trục Bắc - Nam được đưa vào hoạt động từ ngày 18/8 dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến  theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) với ưu tiên cho các chuyến bay có cự ly bay dài, ở mực bay cao tối ưu, với các loại tàu bay hiện đại, phổ biến hiện nay. Hệ thống đường bay này đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, như hình thức đường cao tốc trên không giữa các sân bay lớn và có sự phân tách luồng hoạt động bay thành 02 luồng một chiều thay thế cho đường bay một luồng 2 chiều áp dụng công nghệ dẫn đường cổ điển trước đây.

Đường bay mới đã giải tỏa được các xung đột về quỹ đạo của các tàu bay khi tăng, giảm độ cao, giảm thiểu xung đột luồng đi và đến, giúp cho các tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn, góp phần tăng cường hệ số an toàn khai thác trong công tác điều hành bay, tăng cường lưu lượng hoạt động bay của 02 trên trục chính Bắc - Nam, có thể nâng cao đáng kể năng lực thông qua tàu bay.

Thưa ông, so với trước, các hãng hàng không có thể tiết giảm được chi phí và thời gian như thế nào? Việc quản lý bay được điều chỉnh hiệu quả ra sao?

- Do vùng trời và đường bay thông thoáng hơn trước, các hãng hàng không đã bớt đi các tình huống phải xử lý nên giảm đáng kể thời gian bay. Mặt khác, khi bay trên đường thẳng, giữ được tốc độ bay và mực bay ổn định, áp dụng phương thức tăng giảm độ cao liên tục thay cho việc tăng giảm độ cao theo “bậc thang”, nhiên liệu tiêu hao sẽ ít hơn, làm giảm chi phí vàlượng khí thải CO2 ra môi trường. Do đó, lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ tăng lên.

Kể từ khi chuyển đổi khai thác hệ thống đường bay mới đến nay, VATM luôn nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ và đánh giá cao của các các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Riêng với kiểm soát viên không lưu, khai thác hệ thống đường bay này đã hạn chế việc dẫn dắt tàu bay, giúp giảm đáng kể cường độ thoại liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu và tổ lái, tăng hiệu suất lao động cho các kiểm soát viên không lưu, giảm tải áp lực công việc, góp phần nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động bay trong bối cảnh hoạt động bay tăng trưởng ngày càng cao.

Kiểm soát viên không lưu trong kíp trực điều hành

Liên quan tới thực trạng tắc nghẽn trên bầu trời Tân Sơn Nhất, VATM có hướng giải quyết thế nào trong bối cảnh sân bay TSN vẫn còn thiếu chỗ đỗ trong thời gian tới?

Năng lực tổng thể của một sân bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hệ thống giao thông tiếp cận sân bay; năng lực của nhà ga, sân đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh và năng lực điều hành bay trong khu vực tiếp cận…. Hiện nay năng lực của sân đỗ máy bay là yếu tố ảnh hưởng nhất đến năng lực chung của Tân Sơn Nhất. Trong một số thời điểm do thời tiết xấu hoặc số lượng máy bay về đông thì phải thực hiện phương án điều hành bay vòng, bay chờ, kéo giãn mật độ máy bay, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đảm bảo tiêu chuẩn phân cách giữa các tàu bay theo quy định. Giải pháp này là để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay nhưng chắc chắn sẽ làm gia tăng cường độ làm việc của các kiểm soát viên không lưu.

Trước mắt để giải quyết vấn đề này, VATM đã triển khai kế hoạch thực hiện vị trí cấp huấn lệnh không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất và trong những tình huống phức tạp khi máy bay về quá đông thì phải điều phối thời gian và số lượng máy bay cất cánh từ các sân bay khác trong cả nước đến sân bay Tân Sơn Nhất. 

Từ ngày 10.11.2016, VATM sẽ chính thức đưa vào khai thác phương thức lập thể, không giao cắt tại sân bay Tân Sơn Nhất để triển khai thực hiện tách vị trí kiểm soát vùng tiếp cận khu vực này từ 1 vị trí hiện nay thành 2 vị trí nhằm giảm tải cho các kiểm soát viên không lưu; rút phân cách giữa các tàu bay từ 5 dặm như hiện nay xuống còn 3 dặm (Tiêu chuẩn cao nhất của ICAO). Bên cạnh đó, VATM sẽ cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai áp dụng mô hình “Phối hợp ra quyết định tại sân bay” để giải toả nhanh những ùn tắc dưới đất cũng như trên trời Tân Sơn Nhất.

Đài Kiểm soát không lưu Tuy Hòa mới đã được chuyển đổi khai thác thành công

Được biết, đài không lưu Tuy Hoà mới đi vào hoạt động, xin ông cho biết thêm về vai trò của đài không lưu này và sắp tới VATM có những dự án gì mới để tăng hiệu suất và an toàn bay tại Việt Nam?

Đài kiểm soát không lưu cảng hàng không Tuy Hòa và Đài dẫn đường dẫn đường hàng không Tuy Hòa là các công trình trọng điểm của VATM để đảm bảo cung cấp các dịch vụ điều hành bay 24/24h cho tất cả các hoạt động bay dân dụng và quân sự đi, đến tại sân bay Tuy Hòa. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng của VATM và ACV tại đây cho phép sân bay này đảm bảo tiêu chuẩn làm sân bay dự bị cho các sân bay lớn, có mật độ bay đông, tăng trưởng rất nóng như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh…

Sắp tới, VATM sẽ thực hiện một loạt các dự án trọng điểm nhằm nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như đầu tư mới các trạm radar Quy Nhơn, Cà Mau, Cam Ranh, Vinh, Nội Bài; các đài kiểm soát không lưu Thọ Xuân, Phù Cát, Buôn Ma Thuột, đầu tư TT Kiểm soát không lưu HCM mới để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc và Long Thành sau này.

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, máy bay được kiểm soát trong phạm vi vùng trời khoảng 8 phút và năng lực thông qua đường cất/hạ cánh tại Tân Sơn Nhất trong cao điểm (thống kê dịp Tết nguyên đán Bính Thân) đạt 42 chuyến bay/giờ. Với phương thức khai thác 2 đường cất/hạ cánh song song, năng lực thông qua có thể tăng lên 45 chuyến bay/giờ trong điều kiện không có sự ảnh hưởng của hoạt động bay chuyên cơ, bay quân sự và điều kiện thời tiết thuận lợi.

Ngoài các giải pháp mang tính kỹ thuật về nâng cao năng lực vùng trời, đường cất/hạ cánh và đường lăn, sân đỗ, VATM vừa có kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam về những giải pháp liên quan như các quy định quản lý và hình thành hệ thống, cơ chế giám sát giờ cất/hạ cánh (slot) và chế tài xử lý việc chấp hành slot để hạn chế tối đa các diễn biến làm thay đổi kế hoạch hoạt động của cả hệ thống hàng không tại sân bay, dẫn đến nguy cơ hạn chế năng lực tổng thể…

VATM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)