Dưới đây là một số kinh nghiệm trong việc phối hợp xử lý thông tin TKCN trên biển của Hệ thống Đài TTDH Việt Nam, hy vọng điều đó sẽ góp phần tăng cường kiến thức và ý thức cho người đi biển nhằm giảm thiểu tai nạn khi hành hải, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên biển.
Hình minh họa
Năm 2014, Bộ GTVT đã công bố và đưa vào hoạt động tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, chia làm hai tuyến chính, là Quảng Ninh đến Bình Thuận và Bình Thuận đến Kiên Giang. Sau hai năm mở tuyến, theo số liệu thống kê của Vụ Vận tải, đã có hơn 900 đơn vị vận tải tham gia với hơn 1.000 phương tiện hoạt động trên tuyến.
Trong số đó, đã có hơn 10 sự kiện tàu bị tai nạn, sự cố xảy ra, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết xấu, trang thiết bị thông tin liên lạc chưa đúng quy định, phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố, ….
Từ các vụ việc tàu thuyền bị nạn đã cho thấy sự phối hợp hiệu quả về thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển và có thể rút ra những bài học kinh nghiệm chính sau:
Một là, thuyền viên trên tàu phải được huấn luyện thường xuyên để có thể thao tác, xử lý đúng, kịp thời các tình huống cần báo động cấp cứu và gửi tới Hệ thống Đài TTDH gần nhất để phối hợp thông tin TKCN hiệu quả.
Hai là, tàu hoạt động ở vùng/ luồng nào, phải được trang thiết bị thông tin liên lạc đúng với quy định của Vùng biển/ tuyến luồng đó, thiết bị thông tin liên lạc cũng phải được bảo dưỡng theo quy định. Trong trường hợp bị sự cố, tai nạn, thông tin liên lạc thông suốt giữa bờ và tàu sẽ là điều kiện tiên quyết về hiệu quả của công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ba là, đối với tất cả các phương tiện hoạt động trên biển, bắt buộc phải duy trì trực canh để báo động thông tin cấp cứu và tiếp nhận thông tin phát quảng bá từ bờ tùy thuộc vào vùng biển mình đang hoạt động theo đúng quy định 12 chương IV, Công ước SOLAS yêu cầu.
Bốn là, phối hợp thông tin hiện trường, trong trường hợp có tai nạn xẩy ra, thông tin giữa bờ, tàu bị nạn, tàu xung quanh, tàu đi tìm cứu gọi là thông tin hiện trường. Thông thường, sau khi xác minh về báo động tìm kiếm cứu nạn từ tàu, Hệ thống Đài TTDH phát quảng bá để yêu cầu các tàu hoạt động trong khu vực lân cận tàu bị nạn tăng cường quan sát và trợ giúp tàu bị nạn. Lúc này sự phối hợp thông tin, hỗ trợ từ các tàu hoạt động trong khu vực tàu bị nạn là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong tình huống chìm tàu, người rơi xuống biển. Việc phối hợp thông tin tại hiện trường là vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp cho việc cứu nạn được diễn ra kịp thời, chính xác, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và con người của tàu bị nạn.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong việc phối hợp xử lý thông tin TKCN trên biển của Hệ thống Đài TTDH Việt Nam, hy vọng điều đó sẽ góp phần tăng cường kiến thức và ý thức cho người đi biển nhằm giảm thiểu tai nạn khi hành hải, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên biển.
Vũ Phương Thanh