Tác động của phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân

Thứ sáu, 07/07/2017 07:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói riêng giữ vị trí quan trọng trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; giúp người dân tin tưởng, tự giác tuân thủ pháp luật, đồng thời sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; góp phần PCTN và các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định những nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc trong phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm: (1) Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật; (2) Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; (3) Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Trong phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lĩnh vực pháp luật về PCTN có nội hàm rất rộng, không chỉ bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật chung về PCTN (Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành) mà còn bao gồm hệ thống các quy định về PCTN trong các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan (ví dụ: Pháp luật về doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, đấu thầu, đầu tư...). Vì vậy, tùy từng đối tượng khác nhau mà nội dung phổ biến, giáo dục về PCTN cũng khác nhau.

Đặc biệt, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thì việc tuyên truyền kết quả của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng rất quan trọng bởi đó là những minh chứng thực tế, giúp cho người dân thấy được hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN của cơ quan có thẩm quyền; là sự chuyển hóa những chủ trương, đường lối, pháp luật về PCTN thành thực tiễn. Từ đó, giúp người dân thêm tin tưởng vào pháp luật, tin vào những nội dung được tuyên truyền. Vì vậy, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng cao.

Hiện nay, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nói riêng đến người dân rất phong phú, đa dạng, nhất là với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện kỹ thuật khác. Tùy từng đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh và địa bàn, người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN có thể lựa chọn các hình thức như:

- Họp báo, thông cáo báo chí.

- Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, Internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

- Thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

- Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

- Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Các hình thức nói trên trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tương đối tích cực, giúp cho nhận thức, ý thức pháp luật về PCTN của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong tuyên truyền về PCTN, những hình thức tuyên truyền nói trên phần lớn vẫn mang tính lý thuyết, hay nói cách khác là tuyên truyền suông. Chính vì vậy, chưa mang lại sự thay đổi mang tính đột phá trong nhận thức và ý thức đối với công tác PCTN của người dân. Khi nhận thức chưa có sự chuyển biến thì sẽ chưa chuyển hóa thành những hành động tích cực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN và hiệu quả của công tác PCTN chưa cao.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tác động của công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thể hiện rõ như sau:

Về công tác phòng ngừa tham nhũng

Theo quy định của Luật PCTN hiện hành, công tác phòng ngừa tham nhũng được thực hiện trên các phương diện như:

- Thực hiện cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Đây là nội dung mấu chốt, quyết định hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng.

- Xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

- Minh bạch tài sản, thu nhập.

- Nộp lại quà tặng.

- Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 

- Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

- Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

- Đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Có thể nói, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Luật PCTN quy định khá đầy đủ và toàn diện. Kết quả thực hiện công tác này sẽ có tác động trực tiếp tới việc nâng cao nhận thức, niềm tin của người dân đối với công tác PCTN, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về PCTN. Nếu các biện pháp phòng ngừa này được thực hiện tốt, phát huy hiệu quả trên thực tế trong việc ngăn ngừa tham nhũng thì sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền, phổ biến tốt. Ngược lại, nếu việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa nói trên không tốt, không mang lại hiệu quả thực tế thì hiệu quả tuyên truyền sẽ không cao, những nội dung tuyên truyền sẽ trở thành giáo điều, lý thuyết suông, khó tạo động lực, niềm tin để người dân quan tâm đến các quy định của pháp luật.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng (ảnh minh họa)

Thời gian qua, vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức tại một số cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức đã đặt ra rất nhiều vấn đề được dư luận và người dân hết sức quan tâm về tính khách quan, công khai, minh bạch của các quy trình này. Xin dẫn chứng: Việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương; vụ việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại một tỉnh chỉ có 2 nhân viên nhưng có tới 44 cán bộ quản lý; hay việc một số địa phương có nhiều nhà cùng làm lãnh đạo... Những vụ việc này hiện nay vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, dư luận và người dân không khỏi băn khoăn, bức xúc, có hay không yếu tố vụ lợi trong các vụ việc này. Hiệu quả của các quy định về tuyển dụng, đề bạt cán bộ tới đâu, liệu có tuyển dụng được người tài thay vì người nhà? Các quy định về phòng ngừa tham nhũng trong những trường hợp này có phát huy hiệu quả?

Hay như các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập - vốn được coi là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, song việc thực hiện quy định này có đạt được hiệu quả mong muốn? Ước tính mỗi năm, cả nước có gần 1 triệu bản kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, qua 10 năm, cả nước mới xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Con số này là quá nhỏ so với tỷ lệ số người kê khai tài sản, thu nhập, chưa phản ánh đúng thực tế. Chính vì vậy, giải pháp này bị đánh giá là còn mang tính hình thức, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, chưa đạt được hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng, đại bộ phận người dân cũng chưa tin vào sự thực chất và hiệu quả của việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. 

Những hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng nói trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.

Về công tác phát hiện và xử lý tham nhũng

Theo quy định của Luật PCTN, việc phát hiện tham nhũng được thực hiện thông qua công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử; thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và thông qua việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo.

Việc phát hiện và xử lý tham nhũng là vấn đề ảnh hưởng có tính chất quyết định đến công tác chống tham nhũng hay nói cách khác: Chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không phát hiện và xử lý được các hành vi tham nhũng. Phát hiện và xử lý tham nhũng có tác động ngược trở lại đến hiệu quả của công tác phòng ngừa.

Đặt trong mối quan hệ với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, việc phát hiện, xử lý được các hành vi tham nhũng sẽ tác động lớn đến thái độ tiếp nhận nội dung tuyên truyền, phổ biến, cụ thể là: Giúp người dân tin vào các nội dung tuyên truyền; tin tưởng vào sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc xây dựng và củng cố niềm tin cho người dân, cũng chính là yếu tố quyết định tới hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bởi từ nhận thức, niềm tin được khẳng định, con người sẽ chuyển hóa thành hành động cụ thể; tạo các tình huống thành công chứng minh cho nội dung tuyên truyền - điều làm cho việc tuyên truyền trở nên thu hút, sinh động, dễ hiểu hơn vì có dẫn chứng, số liệu, tình huống cụ thể. Việc tuyên truyền không chỉ là lý thuyết, lý luận suông mà đã được minh chứng bằng những tình huống thực tiễn, làm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. Ngược lại, nếu các hành vi tham nhũng không bị phát hiện hoặc bị phát hiện nhưng không được xử lý nghiêm minh sẽ làm cho người dân có tâm lý hoài nghi, không tin vào những nội dung tuyên truyền.

Theo Báo cáo tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Luật PCTN, trong 10 năm, toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 93.696 cuộc thanh tra hành chính và 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỷ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.530 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng); đóng góp nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử: Qua 10 năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo). Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cũng theo Báo cáo này, trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất.

Việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng lớn được dư luận và người dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã có tác dụng răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác PCTN.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, Báo cáo tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Luật PCTN cũng chỉ rõ, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý. Công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, có một số trường hợp tội phạm tham nhũng nhưng cho hưởng án treo chưa đúng với quy định của pháp luật. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được...

Những hạn chế, yếu kém này phần nào làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân đối với công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta; làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gặp những khó khăn nhất định khi mà kết quả thực tiễn chưa tương xứng với tiêu chí, yêu cầu đề ra.

Tóm lại, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, chính hiệu quả thực tế của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng sẽ có tác động mạnh mẽ theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng là cách tốt nhất để củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, tin vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng hiện nay.

Nguyễn Thị Bích Hường - Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
 

Tạp chí Thanh tra

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)