Phòng, chống tham nhũng nhìn từ góc độ chủ thể có thể thấy cơ bản gồm ba nhóm trụ cột chính: Nhà nước, xã hội và công dân. Vai trò của các chủ thể này gắn liền với mục tiêu kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan công quyền và những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đó. Trong đó, phát huy sức mạnh của công dân tham gia tích cực vào giám sát, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực luôn được nhấn mạnh trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII; Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X; Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng...
Trên cơ sở đó, việc hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và phát huy vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thấm nhuần sâu sắc mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa Nhà nước và công dân, đề cao nhân tố con người; tức là phải phát huy được trách nhiệm, sức mạnh của công dân trong tổng thể các biện pháp chung nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
1. Nâng cao nhận thức về vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của công dân.
Công dân với vai trò là chủ thể của quyền lực nhà nước, công dân ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình thì sẽ luôn quan tâm và chủ động giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước đó. Nâng cao nhận thức của công dân đối với việc kiểm soát quyền lực nhà nước có tác động rất lớn đến hoạt động phòng, chống tham nhũng Theo đó, cần thiết phải:
- Tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để công dân tích cực thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giám sát, phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng. Tuyên truyền, phổ biến về vai trò của phản biện xã hội mang tính tích cực để người dân chủ động nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định, đề xuất, đặt lại vấn đề, kiến nghị… mang tính xây dựng góp phần vào nỗ lực chung phòng, chống tham nhũng .
- Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ thanh niên nhận thức rằng tham nhũng là một hành vi phi đạo đức, cần bị lên án, đấu tranh. Xây dựng nền tảng đạo đức hướng tới một xã hội trong sạch, đề cao liêm chính, không chấp nhận tham nhũng nhằm thiết lập cơ sở xã hội vững chắc ngăn ngừa tệ nạn này từ gốc. Do đó, trong công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng, cần nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện các giải pháp về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực có đạo đức liêm chính.
- Bản thân người dân cần chủ động nâng cao ý thức làm chủ của mình, tích cực tìm hiểu các quy định pháp luật để xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, hành động trên cơ sở pháp luật, có hành vi xử sự tích cực trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm phòng, chống tham nhũng. Từ đó, công dân sẽ có hiểu biết, có ý thức thực hiện đúng quy định của pháp luật (hành xử trong phạm vi pháp luật không cấm); ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Công dân có thể lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng bằng nhiều phương thức, cách thức phù hợp với chuẩn mực về pháp lý và đạo lý; tạo dư luận phản đối các hành vi tiêu cực; gây áp lực đối với người có hành vi tham nhũng.
Như vậy, vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng chỉ có thể trở thành hiện thực khi và chỉ khi thông qua các quan hệ pháp luật. Chỉ có thông qua hành vi pháp luật mà quan hệ pháp luật được hình thành và đến lượt mình nó trở thành phương tiện để chuyển hóa, làm cho quyền và nghĩa vụ pháp lý trở thành hiện thực. Theo đó, nâng cao trình độ văn hóa pháp lý là yêu cầu cấp bách để nâng cao tính tích cực của công dân trong việc thực hiện phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước về vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Nhà nước cần tiếp tục củng cố, từng bước hoàn thiện những điều kiện bảo đảm nhằm hiện thực hóa quyền của công dân đã được pháp luật ghi nhận để họ có thể thực sự chủ động, quyết định lựa chọn cách xử sự phù hợp trong đấu tranh chống tham nhũng.
Đội ngũ cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng trong cơ cấu thực thi quyền lực nhà nước, bảo vệ các quyền công dân, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở vì đây chính là chủ thể thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt được tình hình triển khai, thực thi quyền của công dân trong phòng, chống tham nhũng trên thực tế. Do đó, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng là cần thiết.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung của cán bộ, công chức về liêm chính trong hoạt động công vụ, giúp cán bộ, công chức hiểu rõ về liêm chính; nhận thức về ý nghĩa, vai trò của liêm chính trong hoạt động công vụ; những giá trị và chuẩn mực phải tuân thủ; ý thức trách nhiệm của mỗi người về xây dựng và thực hiện liêm chính... Từ đó, cán bộ, công chức có cách nhìn đúng đắn hơn về trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo thực thi quyền của công dân trong tham gia phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình từ việc tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân, cơ quan, tổ chức vào các dự thảo chính sách, pháp luật cho đến việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo tham nhũng.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của các thành viên trong các tổ chức xã hội.
Nhận thức là cơ sở của hành động tích cực. Thành viên các tổ chức xã hội khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tham nhũng là đang đại diện cho nguyện vọng, tiếng nói của người dân nên cần thiết phải nhận thức được trách nhiệm của mình và có những kiến thức, kỹ năng nhất định. Mỗi tổ chức có những định hướng, mục tiêu và phương thức hoạt động khác nhau, do đó các thành viên cũng cần có những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tổ chức của mình.
2. Hoàn thiện pháp luật nhằm phát huy vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật hoạt động giám sát của nhân dân: Hiện nay, giám sát của nhân dân nhằm kiểm soát quyền lực đã được bàn luận nhiều nhưng quy định về quyền này chưa rõ ràng, nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Công dân chưa thực sự biết mình có quyền gì, trong giới hạn nào và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ra sao. Vì vậy, cần thiết phải rà soát, hệ thống hóa các quy định về giám sát của nhân dân trong các văn bản pháp luật để tiến tới nghiên cứu xây dựng Luật hoạt động giám sát của nhân dân. Luật phải thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm xác định rõ các vấn để cơ bản về đối tượng giám sát, nội dung giám sát, phạm vi giám sát, phương pháp giám sát; quyền và trách nhiệm của chủ thể và đối tượng được giám sát, về các điều kiện đảm bảo thực hiện, tổ chức thực hiện giám sát của nhân dân.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự tham gia của công dân trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng: Quy định rõ ràng hơn về phương thức tiến hành tiếp thu ý kiến của nhân dân; hoàn thiện cơ chế chủ động lấy ý kiến của công dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu hoàn thiện các chế tài cụ thể đối với các chủ thể có liên quan trong việc xử lý kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức khi hoàn thiện văn bản mà họ có trách nhiệm soạn thảo trên cơ sở các ý kiến góp ý tham gia của người dân.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng: Nghị định 47/2007/NĐ-CP ra đời cách đây 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, Luật phòng, chống tham nhũng đã hai lần sửa đổi, bổ sung và hiện nay đang dự thảo để chuẩn bị thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới. Theo đó, trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, khuyến nghị của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, cần sửa Nghị định này theo hướng nêu rõ vai trò chủ động của các chủ thể xã hội là Mặt trận tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân, báo chí, doanh nghiệp và đặc biệt là công dân trong phòng, chống tham nhũng.Trong đó, quy định rõ các quyền, trách nhiệm cụ thể cho các chủ thể này như quyền tiếp cận thông tin, quyền được bảo vệ khi tố cáo tham nhũng.... Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội không sử dụng ngân sách nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; không chỉ quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng trong nội bộ tổ chức và hoạt động của bản thân các tổ chức này mà cần quy định rõ giới hạn, phạm vi trách nhiệm đến đâu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
3. Tạo điều kiện để phát huy vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, các cơ quan nhà nước chủ động nâng cao chất lượng lấy ý kiến của công dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng: Bất kỳ quyết sách lớn nhỏ của Nhà nước liên quan đến đời sống xã hội, trước khi thực hiện phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân như hình thức thẩm định của xã hội; qua đó xác định được mức độ ủng hộ, sự đón nhận của dư luận đối với chủ trương, chính sách đó. Quan trọng hơn là tranh thủ sự sáng tạo, chính kiến của nhân dân để mưu lợi cho dân, hạn chế mầm mống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực ngay từ chủ trương, chính sách. Điều đó sẽ làm tăng tính khả thi của chính sách pháp luật, bởi có sự gắn kết chặt chẽ với những yếu tố tâm lý, tập quán, thói quen, nếp nghĩ của cộng đồng dân cư trong diện tác động của chính sách, pháp luật.
Thứ hai, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin: Tăng cường minh bạch thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những cơ chế thúc đẩy niềm tin của nhân dân vào chính quyền và cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa tham nhũng vì khi minh bạch, công dân được giám sát và tham gia quản lý nhà nước. Điều quan trọng là phải làm thế nào để công dân tin rằng các yêu cầu chính đáng của mình phải được và chắc chắn sẽ được cơ quan nhà nước đáp ứng thuận lợi trong thời gian thích hợp, một khi các thủ tục luật định được thực hiện đầy đủ; quy trình xử lý công việc, về phần mình, sẽ vận hành suôn sẻ mà không cần trợ lực bằng các "chất bôi trơn”.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Tiếp cận thông tin một cách đầy đủ là cơ sở để người dân nắm bắt được các hoạt động của cơ quan nhà nước. Chỉ khi nắm bắt được đầy đủ thông tin thì người dân mới có cơ sở để đưa ra các yêu cầu giải trình của mình. Ngược lại, khi đã được tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết, người dân sẽ không phát sinh các thắc mắc, yêu cầu giải trình, kiến nghị, phản ánh nữa. Bên cạnh đó, các thông tin được công khai sẽ khiến cho cán bộ, công chức ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp, giải thích thông tin cho người dân, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước người dân.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập nói riêng từ những phản ánh, kiến nghị, tố cáo của cơ quan, tổ chức, công dân. Các cơ quan nhà nước cần căn cứ trên cơ sở những phản ánh từ thông tin có dấu hiệu cho rằng tài sản, thu nhập được kê khai tăng bất thường so với nguồn gốc và không có sự rõ ràng từ hoạt động bên ngoài; dựa trên các dấu hiệu làm giàu không chính đáng, hành vi đáng ngờ và theo đơn tố giác của công dân để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ năm, các cấp lãnh đạo kiên quyết chỉ đạo xử lý đến cùng và nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện; nhất là các vụ án tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm để cải thiện niềm tin của công dân. Việc xử lý nghiêm minh những vụ việc tham nhũng đã được phát hiện; đặc biệt là các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân, tác động tích cực đến quyết tâm tham gia của công dân trong giám sát, phát hiện, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng. Khi và chỉ khi công dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức thì ý thức về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định; năng lực giám sát, phát hiện ngày càng có cơ sở để phát huy.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức liêm chính đối với các đối tượng thông qua nhiều cách thức, trong đó đặc biệt là qua hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền về những hình mẫu, tấm gương tích cực trong phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn cách xử lý những tình huống cụ thể có khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực mà công dân có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày; tuyên dương, động viên những thanh niên liêm chính bằng các hình thức hỗ trợ và tạo thêm cho họ cơ hội phát triển như học bổng, khóa đào tạo, thực tập và phần thưởng tập thể.
Thứ bảy, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đoàn thể phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng. Cần sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, chế độ, chính sách, kinh phí, hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng...; có cơ chế yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát, xác minh để các tổ chức, đoàn thể thực hiện chức năng giám sát; xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh chuyển đến của tổ chức, đoàn thể này. Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm túc việc thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; mời đại diện các tổ chức, đoàn thể tham dự các cuộc họp có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát của tổ chức, đoàn thể đó.
Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần phải có sự kết hợp của cả cơ chế kiểm soát từ trong chính bản thân các cơ quan nhà nước và từ bên ngoài xã hội. Việc tự kiểm soát thường sẽ khó có thể làm và làm tốt nếu không phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ phía người dân, công luận và xã hội. Vì vậy, công dân là một trong những chủ thể đóng vai trò quan trọng cần phải được phát huy, tạo điều kiện trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này đã được khẳng định hơn tại Hiến pháp năm 2013 khi tiếp tục tái khẳng định quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân và bổ sung quy định Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong đó không thể không bao gồm quyền tham gia phòng, chống tham nhũng ./.
ThS. Tạ Thu Thủy
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra