Căn cứ pháp lý về xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

Thứ hai, 13/04/2020 08:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khiếu nại là quyền cơ bản của công dân nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình và giải quyết khiếu nại hành chính là trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính không ngừng được sửa đổi, bổ sung đã phần nào đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì chất lượng giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; khiếu nại hành chính vẫn là vấn đề xã hội bức xúc và tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, khiếu nại kéo dài, “khiếu tiếp” đối với những vụ việc có quyết định giải quyết cuối cùng vẫn gia tăng. Trong bối cảnh đó, căn cứ pháp lý để xem xét, giải quyết những trường hợp như vậy chưa được hoàn thiện dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại kéo dài.

Hiện tại, Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại đã quy định nguyên tắc chung về xem xét lại việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 03 kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài(1). Đây là những căn cứ pháp lý để thực hiện việc xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại (QĐGQKN) đã có hiệu lực pháp luật (HLPL) trong thời gian qua.

Khái quát những căn cứ pháp lý này có thể thấy những đặc điểm chủ yếu sau:

Một là, căn cứ pháp lý cho việc xem xét, giải quyết lại QĐGQKN có HLPL được điều chỉnh, bổ sung qua từng thời kỳ, giai đoạn

Giai đoạn 20 năm qua (từ năm 1998 đến nay), hành lang pháp lý để giải quyết KNTC nói chung và hành lang pháp lý cho việc xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện(2). Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và dưới đó là văn bản điều hành, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo được ban hành nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn là căn cứ pháp lý quan trọng cho người dân thực hiện quyền khiếu nại hành chính và cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC nói chung, xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL nói riêng.

Tuy nhiên, căn cứ hay tiêu chí để xác định đối tượng là các vụ việc khiếu nại cần xem xét, giải quyết lại không được xác định cụ thể, thống nhất giữa các văn bản chỉ đạo hay Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Trong các chỉ đạo, giao nhiệm vụ xem xét, giải quyết lại thường không đưa ra tiêu chí cụ thể vụ việc được xem xét, giải quyết lại theo quy định pháp luật. Việc xem xét, giải quyết lại được quyết định tùy thuộc vào tình hình khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Hai là, thẩm quyền xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL trong từng giai đoạn là khác nhau.

Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định thẩm quyền xem xét, ban hành quyết định giải quyết cuối cùng. Theo đó, về nguyên tắc, sau khi có quyết định giải quyết cuối cùng, vụ việc khiếu nại sẽ chấm dứt việc xem xét, giải quyết. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để tạo điểm dừng cho khiếu nại hành chính. Đồng thời Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 cũng tạo cơ chế để kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Luật quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng khi có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc có tình tiết mới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo đã quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 đã loại bỏ khái niệm “giải quyết khiếu nại cuối cùng”. Từ giai đoạn này, việc xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL không được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ đạo Luật. Nghị định số 75/NĐ-CP chỉ quy định nguyên tắc chung của việc xem xét, giải quyết lại tại Điều 20. Chủ thể, thẩm quyền xem xét lại không giống nhau mà được xác định cụ thể tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tương ứng với đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan QLNN trong từng Kế hoạch cũng khác nhau theo hướng chuyển dần trách nhiệm giải quyết các vụ việc khiếu nại đối với QĐGQKN đã có HLPL từ các cơ quan Trung ương về địa phương, bộ, ngành là nơi phát sinh khiếu nại lần đầu với mục đích giải quyết dứt điểm, tận gốc vụ việc. Các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ từ vai trò là cơ quan chủ trì, trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, rà soát và tổ chức họp thống nhất biện pháp giải quyết sang vai trò là cơ quan hướng dẫn thực hiện đồng thời kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện.

Khái quát vai trò của từng chủ thể qua các Kế hoạch được thể hiện trong bảng sau:

Ba là, không có quy trình chuẩn để thực hiện xem xét, giải quyết lại

Quá trình xem xét, giải quyết lại được thực hiện nhằm giải quyết tình thế, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trong một giai đoạn nhất định, do vậy, chủ yếu được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đến thời điểm hiện tại không có một quy trình chuẩn cho việc xem xét, giải quyết lại được quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản chính thức được xem như hướng dẫn cách thức xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài là công văn số: 1644/TTCP-VP ngày 02/7/2012 về việc hướng dẫn xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài mà cụ thể là “… tập trung rà soát, tìm giải pháp hữu hiệu… giải quyết cơ bản các vụ việc nằm trong danh sách 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được tổng hợp cuối năm 2011... Sau đó, sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài khác”. Tuy nhiên, Công văn số: 1644/TTCP-VP được áp dụng thực hiện trong quá trình thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, còn quá trình thực hiện theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP sau này cũng không xác định quy trình chính thức thực hiện.

Tóm lại, có thể nói, thời gian qua, căn cứ để xem xét, giải quyết lại QĐGQKN có HLPL không được xác định rõ và thống nhất trong các kế hoạch xem xét, giải quyết lại. Do đó, tạo cấp xét xử mới dẫn đến khiếu nại kéo dài, gây khó thực thi QĐGQKN có HLPL; đồng thời vô tình tạo ra tâm lý chây ỳ, cố tình kéo dài vụ việc của người dân khiến tình trạng khiếu nại không có điểm dừng, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho cơ quan QLNN trong giải quyết tình hình.

Bên cạnh đó, việc xem xét, giải quyết lại các QĐGQKN đã có HLPL thời gian qua chủ yếu là nhằm giải quyết tình thế, giảm áp lực đối với công tác giải quyết khiếu nại, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội. Việc thiếu vắng căn cứ pháp lý, định hướng cụ thể, rõ ràng cho việc xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL đã tạo ra sự tùy nghi thực hiện trên thực tế. Việc triển khai không dựa trên cơ sở quy định pháp luật, không có chiến lược cụ thể đã dẫn đến sự tùy tiện từ phía cơ quan QLNN, sự lạm dụng từ phía người khiếu nại trước thiện ý muốn giải quyết triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi tối đa cho người dân của chính quyền.

Ngoài ra, việc pháp luật Việt Nam chưa có cơ chế đánh giá và xử lý trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại hành chính đã khiến cho các chủ thể thực hiện trách nhiệm này một cách hình thức, có tâm lý giải quyết khiếu nại cho hết thẩm quyền là phổ biến chứ chưa quyết tâm giải quyết triệt để, đến cùng để chấm dứt khiếu nại.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết KNTC cho thấy, có nhiều vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền, áp dụng đúng chính sách, pháp luật, tổ chức đối thoại nhiều lần, có chủ trương áp dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ cho người khiếu nại, nhưng họ vẫn cố tình kéo dài, không chấm dứt vụ việc. Trong trường hợp này, pháp luật lại thiếu chế tài để xử lý những thành phần cố tình chây ỳ, không thực hiện QĐGQKN đã có HLPL khiến cho việc giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài ngày càng trở nên phức tạp.

Để khắc phục những bất cập nói trên, tác giả xin đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật như sau:

Một là, thể chế hóa chế định xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL

Bổ sung chế định về xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL trong Luật Khiếu nại theo hướng đưa ra một khái niệm rõ ràng, cụ thể về xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL để thống nhất cách hiểu và thực hiện trên thực tế. Để đưa ra khái niệm như vậy có thể tham khảo quy định trong pháp luật về tố tụng như khái niệm “tái thẩm”, “giám đốc thẩm”. Từ đó xác định rõ bản chất, mục đích của việc xem xét, giải quyết lại theo con đường hành chính.

Cụ thể, cần thể chế hóa việc xem xét, giải quyết lại khiếu nại đối với QĐGQKN đã có HLPL những nội dung như: Căn cứ xem xét, giải quyết lại; Thẩm quyền xem xét, giải quyết lại; Trách nhiệm pháp lý trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hành chính; Phạm vi thực hiện thẩm quyền xem xét, giải quyết lại; Trình tự, thủ tục thực hiện việc xem xét, giải quyết lại.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định khác của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại theo hướng bổ sung thẩm quyền cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong một số trường hợp để Tổng Thanh tra Chính phủ chủ động trong việc xem xét, giải quyết kịp thời các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành thì Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (khoản 1)Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại... thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm (khoản 2). Nhưng thực tế, thông qua công tác giải quyết khiếu nại, không chỉ “phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại” mà còn vi phạm pháp luật khác (đất đai, nhà ở, tài chính,...) Trong trường hợp như vậy thì Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền kiến nghị không?

Do vậy, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính cần đổi mới theo hướng tăng thẩm quyền cho Tổng Thanh tra Chính phủ để chủ động trong xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL và để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong thực hiện pháp luật, có chính sách phù hợp để vận dụng giải quyết vụ việc hiệu quả.

Ba là, quy định rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đảm bảo hiệu lực giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng các ngành, các cấp; quy định mối quan hệ giữa các cơ quan trong việc thực hiện.

Bốn là, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Năm là, quy định chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực khiếu nại làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các trường hợp người giải quyết khiếu nại né tránh, chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong hoạt động giải quyết khiếu nại; các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức./.

 

TS. Phạm Thị Huệ

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TTCP

Chú thích:

1.   Tính đến trước năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 03 kế hoạch gồm: Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009. Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013;

2.   Luật Khiếu nại hiện hành (năm 2011) được ban hành trên cơ sở được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 4 lần; Năm 2011, Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại được tách riêng thành hai đạo luật; Luật Tiếp công dân năm 2013 được xây dựng làm căn cứ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân - hoạt động khởi đầu của quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

Tạp chí Thanh tra

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)