Khi nào được từ chối tiếp công dân?

Thứ ba, 18/01/2022 08:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực tế công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy, có những trường hợp đã được cơ quan chức năng các cấp giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, nhưng công dân cố ý không chấp hành và tiếp tục kéo đến trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền gây mất an ninh trật tự. Pháp luật đã có quy định cụ thể đối với những trường hợp này.

Khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân quy định, người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân khi: “Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài”.

Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể về việc từ chối tiếp công dân. Theo đó, người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân. Trường hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ảnh minh họa

Như vậy, đối với những trường hợp đã được cơ quan chức năng các cấp giải quyết đúng theo quy định của pháp luật nhưng cố ý không chấp hành và tiếp tục kéo đến Trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền gây mất an ninh, trật tự, người tiếp công dân có quyền ra Thông báo từ chối tiếp công dân theo quy định nêu trên của Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 (thay thế Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014) của Thanh tra Chính phủ.

Trường hợp công dân bị từ chối tiếp có hành vi vi phạm pháp luật, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có những hành vi, như: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng, gây mất trật tự công cộng; lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức... tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực trong gia đình.

Riêng đối với đảng viên vi phạm các quy định trong quá trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thì bị xử lý theo quy định tại Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm./.

Tạp chí Thanh tra

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)