Chỉ đạo này được Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh khi kiểm tra toàn tuyến Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hôm 16/6
Tại các điểm vướng mặt bằng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp vận động các hộ dân,
đồng thời chỉ đạo VEC phối hợp địa phương rà soát chế độ chính sách đầy đủ nhất, hỗ trợ di dời giải tỏa.
Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu trực tiếp kiểm đếm tiến độ thi công, tập trung kiểm tra các "điểm nghẽn" vướng mắc giải phóng mặt bằng và tình hình giải ngân cho Dự án. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đặc thù Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có nhiều nhà thầu liên danh, nhà thầu nước ngoài và nhà thầu phụ Việt Nam, khối lượng thi công lớn nên phải kiểm soát tốt việc giải ngân. Các nhà thầu phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.
Dòng tiền giải ngân phải được "rót" trực tiếp xuống cho các đơn vị thi công, không qua đơn vị trung gian nào mới có thể rút ngắn được thủ tục, đảm bảo nguồn lực thi công, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Trung tá Khương Tất Thắng - Giám đốc điều hành gói thầu số 2 báo cáo tiến độ thi công với Thứ trưởng
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC - chủ đầu tư Dự án), đơn vị đang đốc thúc công tác nội nghiệp của các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo dòng tiền cho dự án. Tuy nhiên, với các gói thầu đoạn tuyến sử dụng vốn World Bank, việc giải ngân còn khá chậm.
Áp lực lớn nhất với Dự án hiện nay là vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), khan hiếm nguồn vật liệu. Theo thống kê của VEC, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bàn giao hơn 96% mặt bằng thi công, hiện còn gần 7km chiều dài toàn tuyến chưa giải tỏa được. Tập trung tại 13 "điểm nóng", nhiều nhất là Quảng Nam (8 điểm), Quảng Ngãi (4 điểm). Đáng kể, tình trạng mặt bằng "xôi đỗ" khiến diện tích thi công không đồng nhất, liên tục.
Gói thầu số 2 tiên phong thảm thử bê tông nhựa ngày 16/6
Ông Anh cho biết vướng mắc mặt bằng do công tác tái định cư chậm, hiện có 6 khu TĐC chưa hoàn thiện, người dân chưa thống nhất về phương án đền bù, đồng thời phát sinh tình trạng dân tái cản trở thi công ngay cả những vị trí đã bàn giao mặt bằng (tổng chiều dài 3,3km)...
Trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo huyện, xã, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu nhà đầu tư phối hợp địa phương rà soát lại từng trường hợp cụ thể, vận dụng các chế độ chính sách đầy đủ, ưu đãi nhất cho các hộ dân; đồng thời phải sát sao đến từng tâm tư, nguyện vọng của bà con, để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Ngay tại các điểm nóng, Thứ trưởng Thọ trực tiếp vận động những hộ dân đang kiến nghị mặt bằng chấp hành chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước; đồng thời chỉ đạo VEC, nhà thầu linh hoạt biện pháp hỗ trợ ngay về nhân lực tháo dỡ, di dời vật dụng, hỗ trợ tạo việc làm cho con em các hộ dân ngay trên Dự án... "Dự án chuẩn bị bước vào mùa mưa nên nếu không giải quyết rốt ráo mặt bằng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ", Thứ trưởng Thọ nói.
Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bàn giao hơn 96% mặt bằng thi công
Theo ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), địa phương đã hoàn thiện khu TĐC, bốc thăm, phân lô cho các hộ dân giải tỏa khu vực gói thầu A4, nhưng vẫn còn 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 3 hộ khu vực mố trụ A1 cầu VD10A. Ông Vinh cho rằng: "Các chính sách được áp dụng tối đa cho các hộ dân, thấu tình đạt lý. Huyện đã tính tới giải pháp cưỡng chế, bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ GPMB".
Cắt chuyển nhà thầu "rớt" tiến độ
Thời gian qua, Lãnh đạo VEC đã ra văn bản nhắc nhở, cảnh cáo một số nhà thầu chưa đạt được tiến độ. Thứ trưởng Thọ chỉ đạo nhà đầu tư rà soát, đánh giá năng lực từng nhà thầu, kiên quyết cắt chuyển những đơn vị không đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, trước đó, VEC đã điều chỉnh khối lượng nhiều nhà thầu không đảm bảo tiến độ. Mới đây, 2 giám đốc ĐHDA của Lotte, Posco cũng bị VEC yêu cầu thay thế người mới.