Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết, Quý I năm 2018, VEC phục vụ an toàn 10,2 triệu lượt phương tiện (không tính 176.000 lượt phương tiện miễn phí), tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiếp tục duy trì là tuyến có mật độ phương tiện đông nhất với trên 3,9 triệu lượt phương tiện so với 3,3 triệu lượt cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đón 3,5 triệu lượt, so cùng kỳ 2017 giảm 8,5%. Đáng mừng là 3 tháng qua đã có 48.400 lượt phương tiện sử dụng dịch vụ thu giá điện tử tự động không dừng trên tuyến Long Thành – Dầu Giây, góp phần tìm ra “lời giải” hay cho “bài toán” ùn ứ giao thông tại các trạm thu giá.
Mùng 4 Tết Nguyên đán năm nay (ngày 19/02/2018), lần đầu tiên kể từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai lập kỷ lục khi thông qua gần 48.000 lượt phương tiện/ngày đêm, vượt xa mức đỉnh lập được trong dịp Tết Đinh Dậu tới 22%. Trong 3 tháng đầu năm, tuyến tiếp nhận hơn 2,6 triệu lượt phương tiện, tăng 24% so cùng thời điểm 2017.
10,2 triệu lượt phương tiện được phục vụ an toàn trong 3 tháng đầu năm 2018
Theo VEC, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mở ra được ví như “cây cầu” khổng lồ chạy dọc xứ Quảng, với hệ thống đường bộ trục ngang sẽ nối liên thông đến cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế... Cũng trong quý I năm nay, đã có 0,19 triệu lượt phương tiện chọn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi làm lộ trình di chuyển, với lưu lượng bình quân tăng trên 50% so với mức trung bình của năm ngoái.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng nhận định: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác mở ra cơ hội cho Cảng hàng không Chu Lai “cất cánh” cũng như góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nếu Quốc lộ 1 bị chia cắt trong mùa mưa bão.
Kinh tế phát triển, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc ngày càng tăng cao. Để tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát triển bền vững, Tổng công ty đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc. Theo thống kê, trong quý đầu năm nay, dù lượng phương tiện tăng 8% nhưng các tuyến chỉ ghi nhận 19 vụ tai nạn, làm 01 người thiệt mạng và 30 người bị thương, giảm 67% số người chết so cùng kỳ 2017. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn trên là do ý thức người tham gia giao thông: không kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc dẫn đến phương tiện bị nổ lốp, mất lái đâm vào dải phân cách và phương tiện đi ngược chiều; phương tiện không tuân thủ đầy đủ các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc, như không giữ khoảng cách an toàn, đi ngược chiều, đi vào làn dừng khẩn cấp…
Song song với tăng cường bảo đảm ATGT, VEC tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm soát tải trọng phương tiện để bảo vệ sự bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2018, đã có 661.500 lượt phương tiện được kiểm tra tải trọng, tăng 3% so cùng kỳ. Qua đó, VEC buộc gần 10.500 phương tiện phải ra khỏi đường cao tốc do vượt quá tải trọng cho phép. Với chiều dài kỷ lục, cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng là tuyến từ chối nhiều nhất số phương tiện vi phạm tải trọng – với 8.500 phương tiện, nhiều hơn 44% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Ngoài ra, trong quý I/2017, VEC cũng từ chối phục vụ 54 phương tiện do vi phạm các quy định dừng đỗ, đón trả khách, sang tải hàng trên đường cao tốc, đi ngược chiều, vượt trạm.
Một đoạn tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, vận hành
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đạt mức 7,38% - mức cao nhất trong 10 năm qua, kéo theo đó lĩnh vực giao thông vận tải cũng có bước phát triển. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong quý I/2018, sản lượng vận tải hàng hóa cả nước tăng 8,8%, tăng 9,5% về lượng hành khách; trong đó, thị phần vận tải đường bộ vẫn chiếm phần lớn với 77,22%. Cộng vào thành tích chung của ngành Giao thông có đóng góp của các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý.
Vĩnh Phúc, một địa phương được hưởng lợi trực tiếp trong việc thu hút đầu tư từ khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, riêng quý I/2018, đã có 11 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31 triệu USD. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng hơn 6% về tấn và tăng hơn 7% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2017; tổng doanh thu vận tải tăng hơn 6% so cùng kỳ.
Lào Cai trước đây từng được xem là tỉnh biên giới xa xôi, thì giờ đây khi giao thông thuận lợi, khách đến khu du lịch Sa Pa đã tăng mạnh và nhiều nhà đầu tư đã "nhắm" đến khu du lịch này.
3 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải của Tỉnh tăng 21,7%, vận chuyển hành khách tăng 32,7%, vận tải hàng hóa tăng 16,2% so cùng kỳ.
Tại cuộc họp với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 14/3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong khẳng định: Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất đã trở thành một tỉnh khá có nhiều lĩnh vực dẫn đầu. Có thể nói, với Lào Cai, để tạo được đột phá như hôm nay một phần là nhờ phát triển giao thông, trong đó có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa phần tỉnh dài 72km). Đây không chỉ là đánh giá của lãnh đạo Tỉnh mà còn là đánh giá của nhân dân Lào Cai.
Còn theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thu hút đầu tư nước ngoài trong gần 3 tháng đầu năm 2018 đạt 355 triệu USD. Trong đó có 17 dự án cấp mới có tổng vốn đăng ký khoảng 84 triệu USD và 17 dự án điều chỉnh tăng vốn 271 triệu USD. Những tháng đầu năm nay, nhiều quốc gia đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư như: Ấn Độ, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Văn Hướng