Đà Nẵng đi Quảng Ngãi chỉ còn hơn 1 giờ 30 phút

Thứ sáu, 31/08/2018 09:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 2/9, đoạn tuyến cao tốc vốn WB (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) chính thức thông xe, đưa vào khai thác sau hơn 4 năm thi công, kết nối toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, rút ngắn 1,5 giờ hành trình, đảm bảo ATGT, tạo thuận lợi phát triển kinh tế địa phương và khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong chuyến thị sát ngày 02/8 chốt mốc thông xe cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi đúng ngày 2/9

Nỗ lực trước giờ cán đích

Trước đó, ngay từ giữa tháng 7/2018, các phần việc trên tuyến chính đã được nhà thầu, đơn vị chức năng hoàn thiện, cho các lượt xe đi thử. Hơn tháng qua, hàng loạt mũi thi công được tăng ca, tăng kíp, tập trung tối đa cho các hạng mục phụ trợ, đóng tuyến, rào chắn đường. Ngày 27/8, đoạn hộ lan cuối cùng tại Km 116+300 (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) được nhà thầu hợp long, chính thức đóng toàn bộ tuyến chính. Công trình cao tốc hình hài với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng đỗ khẩn cấp, hệ thống biển báo, hộ lan, dải phân cách tích hợp các giải pháp đảm bảo ATGT, hướng dẫn giao thông thông minh cho người đi đường. Các nút giao cuối tuyến Quảng Ngãi, nút giao Bắc Quảng Ngãi triển khai đồng bộ, đảm bảo cho các phương tiện nhập, tách làn phù hợp. Các hạng mục rào chắn, đường gom dân sinh cơ bản hoàn thiện đồng bộ tại những vị trí đảm bảo mặt bằng, khu dân cư, đảm bảo an toàn khi khai thác...

Giám đốc Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Thành cho hay: Đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị triển khai dự án và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT. Đặc thù tuyến cao tốc được triển khai mới, đi qua nhiều địa hình khác nhau, phát sinh không ít đường găng kỹ thuật nền đất yếu, phá đá nổ mìn… Theo thống kê, chỉ riêng tuyến chính công tác nền đường có gần 2,1 triệu m3 đất đào, hơn 10 triệu m3 đất đắp, gần 2,1 triệu m3 đào đá, gần 700.000 tấn bê tông nhựa các loại… Bên cạnh đó, diễn biến bất lợi thời tiết và cả nguyên nhân chủ quan về sự vào cuộc của các đơn vị thi công, dòng tiền dự án, gây không ít trở ngại, “lụt tiến độ” ở nhiều thời điểm. Để đảm bảo mục tiêu cán đích, lãnh đạo Bộ GTVT, trực tiếp là Thứ trưởng Lê Đình Thọ, các đơn vị chức năng, chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) ra hàng loạt quyết sách, giám sát công tác quản lý, điều hành, ban hành cơ chế đặc biệt để sàng lọc nhà thầu yếu kém, phối hợp các địa phương rốt ráo công tác GPMB... góp phần tăng tốc tiến độ dự án, đặc biệt giai đoạn cao điểm về đích sau Tết Âm lịch 2018.

Theo lãnh đạo VEC, chất lượng dự án được kiểm soát qua các hệ thống giám sát của nhà thầu, tư vấn giám sát, Ban QLDA và tư vấn độc lập của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng. Kết quả cho thấy, công tác quản lý chất lượng được tiến hành theo các quy định, quy trình, quy phạm hiện hành; kiên quyết xử lý các vấn đề vi phạm kỹ thuật thi công. Điển hình, 4 vị trí thảm bê tông nhựa không êm thuận ở gói thầu số 1 (đầu tuyến Tam Kỳ) được phát hiện, nhà thầu tiến hành sửa chữa đồng bộ chất lượng trước khi thông xe, khai thác.

Thông xe cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi kết nối toàn tuyến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,

rút ngắn tối đa thời gian lưu thông, đảm bảo ATGT, phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Giảm thời gian hành trình, đảm bảo ATGT

Chạy xe vòng suốt tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tầm vóc cao tốc mở ra trước mắt; Làn đường thênh thang, hệ thống tiện ích, đảm bảo ATGT trên mỗi hành trình. Theo các tài xế xe khách, xe tải, việc khai thác đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi, kết nối toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã giảm tối đa thời gian lưu thông, không lo tắc đường, ùn ứ và xung đột giao thông. Tính toán cho thấy, với tốc độ tối đa lên đến 120km/h (tùy phương tiện), để đi Tam Kỳ - Quảng Ngãi còn chưa đầy 45 phút, đi hết toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn chừng 1 giờ 30 - 1 giờ 45 phút, rút ngắn khoảng 1 tiếng rưỡi thời gian hành trình, đặc biệt mở rộng cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, khu vực… “Một xe 4-7 chỗ đi hết tuyến cao tốc mất khoảng 180.000 đồng tiền phí, gấp gần 2,5 lần so với vé 2 trạm thu phí BOT QL1, nhưng bù lại, giảm chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện, đảm bảo ATGT và đặc biệt rút ngắn thời gian di chuyển”, anh Bùi Anh Sơn, tài xế xe ô tô 7 chỗ BKS 43A-052.52 phân tích.

Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam cho hay: Thông xe toàn tuyến cao tốc sẽ tạo “đòn bẩy” cho Quảng Nam và các địa phương phát triển, mở rộng khả năng thông thương, xúc tiến thu hút đầu tư… Quảng Nam tập trung nâng cấp, mở rộng các trục đường kết nối để đáp ứng nhu cầu đi lại, phát huy hiệu quả công trình. Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, hạ tầng giao thông mở rộng kết nối giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, tạo chuỗi giá trị vận tải nhanh chóng, an toàn, rút ngắn thời gian, chi phí, hao mòn phương tiện… Lãnh đạo Ban ATGT các địa phương trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng kỳ vọng, QL1 được phân lưu, hạ tầng giao thông đầu tư hiện đại góp phần kiềm chế TNGT, đảm bảo trật tự ATGT tối đa trên các tuyến huyết mạch.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ 640 triệu USD), với tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, đoạn tuyến do WB tài trợ dài 74km (Km 65+00 - Km 139+204) với các gói thầu, nhà thầu thi công: Gói thầu số A1: Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) và Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte; Gói thầu số A2: Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông; Gói thầu số A3: Công ty TNHH Tập đoàn Kỹ thuật GTVT tỉnh Giang Tô; Gói thầu số A4: Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte; Gói thầu số A5: Công ty TNHH Posco E&C Gói thầu số 13: Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam.Gói thầu số 14B1: Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty CP Giải pháp Toà nhà thông minh (IBS). Gói thầu số 14B2: Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty CP Giải pháp Toà nhà thông minh (IBS).

VEC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)