6 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức kiểm soát tải trọng 1,285 triệu lượt phương tiện, qua đó từ chối phục vụ trên 22.600 phương tiện. Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi đã có cuộc trao đổi nhằm làm rõ hơn công tác kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường cao tốc VEC đầu tư, quản lý.
Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi trao đổi về kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường cao tốc
Thưa ông, VEC đã quản lý hệ thống kiểm soát tải trọng đối với những tuyến đường nào?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện là Chủ đầu tư của 05 tuyến đường bộ cao tốc, với tổng chiều dài 550km; trong đó có 3 tuyến đã đưa vào khai thác (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây). Riêng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ dài 65km đã được Tổng công ty tổ chức thông xe và đưa vào vận hành từ ngày 02/8/2017, và tới đây sẽ đưa 75km còn lại vào khai thác. Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, VEC đang triển khai thi công, dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ 58km chiều dài toàn tuyến.
Ngay từ khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác, VEC đã có chủ trương đưa hệ thống kiểm soát tải trọng vào sử dụng nhằm bảo đảm sự bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc, giảm thiểu chi phí duy tu bảo dưỡng sửa chữa, nâng cao hiệu quả đầu tư…
Hiện tại, việc kiểm soát tải trọng phương tiện hiện đang được Tổng công ty thực hiện với 3 tuyến cao tốc là TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (03 trạm), cao tốc Nội Bài - Lào Cai (13 trạm) và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (03 trạm). Đối với 02 tuyến đường đang triển khai thi công là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành, sau khi hoàn thành toàn bộ đưa vào khai thác, VEC sẽ tiếp tục thực hiện quản lý bằng hệ thống kiểm soát tải trọng.
Việc đưa hệ thống kiểm soát tải trọng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả như thế nào đối với việc quản lý các phương tiện giao thông, thưa ông?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Việc tổ chức thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện đã cơ bản chặn được xe quá tải lưu thông vào đường cao tốc. Qua đó, xây dựng và nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành của lái xe, chủ hàng, giảm thiểu số phương tiện quá tải tham gia lưu thông trên đường cao tốc. Từ đó, tăng cường bảo đảm ATGT, bảo đảm sự bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng sửa chữa đường và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Năm 2017, Tổng công ty kiểm soát trên 2,78 triệu lượt phương tiện, trong đó từ chối phục vụ 47.300 phương tiện. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 1,285 triệu phương tiện qua hệ thống kiểm soát tải trọng, qua đó phát hiện và buộc quay đầu 22.600 phương tiện. Giữ kỷ lục về chiều dài tuyến, cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng là tuyến từ chối nhiều phương tiện lưu thông trên đường cao tốc – 19.160 lượt, chiếm tới 85% số phương tiện VEC từ chối phục vụ.
Hiệu quả của việc đưa hệ thống kiểm tra tải trọng được thể hiện rõ qua các số liệu giảm hàng năm về số vụ tai nạn, sự cố giao thông trên đường cao tốc.
Tổng công ty cũng xin nhấn mạnh một lần nữa các hành vi vi phạm dưới đây sẽ bị từ chối phục vụ trên các tuyến cao tốc Tổng công ty quản lý:
- Dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định;
- Sang tải trên đường cao tốc gây mất an toàn giao thông;
- Gian lận thẻ, gian lận cước phí khi lưu thông trên các tuyến cao tốc;
- Đi ngược chiều trên đường cao tốc;
- Vượt trạm, đe dọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc.
Kiểm tra tải trọng phương tiện trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Vậy, để giảm tải tai nạn giao thông, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp nào?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi: Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà đầu tư đang khai thác tuyến đường, người đứng đầu chính quyền địa phương và người tham gia giao thông.
Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải đồng bộ, bền vững và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và các quy hoạch khác có liên quan. Đối với lĩnh vực đường cao tốc, VEC xin đưa ra một số giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, về quản lý nhà nước
Ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc, đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, vận hành đường bộ cao tốc.
Thứ hai, về kết cấu hạ tầng giao thông
Thẩm định ATGT các tuyến cao tốc từ bước chuẩn bị dự án, trước khi đưa vào khai thác và trong quá trình khai thác; ứng dụng trang thiết bị công nghệ tiên tiến về an toàn giao thông (như lắp đặt các thùng nước hoặc bao giảm va đập tại các vị trí dễ gây tai nạn như đường nhánh, rẽ,…); xây dựng, lắp đặt hệ thống ITS, trong đó tích hợp việc xử lý vi phạm thông qua hình ảnh,…
Thứ ba, về tổ chức vận tải trên tuyến
Bố trí các điểm dừng đón, trả khách ngoài khu vực các trạm thu phí đường nhánh và tại các nút giao thông; lắp đặt các trạm kiểm soát tải trọng tại các điểm vào đường cao tốc, xây dựng đường vòng cho phương tiện quá tải quay đầu xe ra khỏi đường cao tốc.
Thứ tư, về phương tiện
Siết chặt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm. Tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, chú trọng hơn nữa trong việc kiểm định lốp xe và hệ thống phanh xe; cảnh báo người điều khiển phương tiện kiểm tra phương tiện cẩn thận trước khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Thứ năm, về đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe
Tăng cường nội dung đào tạo kiến thức, kỹ năng về lái xe trên đường bộ cao tốc vào chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Bổ sung thêm trong chương trình đào tạo lái xe phần thực hành lái xe trên đường cao tốc; xây dựng các tài liệu, cẩm nang hướng dẫn kỹ năng lái xe đăng tải lên các trang thông tin điện tử.
Thứ sáu, về tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT
Thành lập kênh phát thanh riêng cho đường bộ cao tốc với chức năng thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền về ATGT cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ cao tốc; tuyên truyền lái xe kiểm tra kỹ xe trước khi vào đường cao tốc, đặc biệt các xe siêu trường siêu trọng, xe chở hàng có các thanh gỗ chèn,…
Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên tuyến, đặc biệt là ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chính là những mấu chốt quyết định đến việc bảo đảm ATGT trên các tuyến cao tốc.
Xin cảm ơn ông!
P.V