Sáng nay (16/11), Ban Quản lý Dự án (QLDA) Thăng Long phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ triển khai thi công Gói thầu số XL01 (Km0+000 - Km16+400) và gói thầu số XL04 (Km83+000 - Km99+000) thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các nhà thầu
khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực bắt tay ngay vào thi công.
Đến dự và phát lệnh khởi công 2 gói thầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hành lang vận tải Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong đó, Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua với 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trong quá trình triển khai trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội đã chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, trong đó có tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện tại các gói thầu các tuyến cao tốc đã đồng loạt thi công đảm bảo tiến độ.
Để thúc đẩy giải ngân, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo các Ban QLDA, chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân từng tháng, quý với các tiến độ mốc thời gian từng dự án. Đến nay công tác giải ngân các công trình trọng điểm đã đạt 73,3% kế hoạch vốn.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu cụ thể hóa trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất là công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác giải ngân. Yêu cầu các cơ quan tham mưu kiên quyết điều chỉnh và điều chuyển vốn các dự án chậm và chuyển sang các dự án bảo đảm tiến độ. Yêu cầu các Ban QLDA, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để sớm bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Về công tác GPMB, các dự án đường bộ cao tốc đã được các địa phương quan tâm tập trung triển khai với quyết tâm cao. Hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã nỗ lực bàn giao đạt hơn 91% mặt bằng, sẵn sàng bàn giao diện tích còn lại cho các nhà thầu triển khai thi công.
Các đại biểu dự nghi thức triển khai thi công 2 gói thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Đối với 2 gói thầu xây lắp Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công hôm nay (16/11), Bộ GTVT biểu dương các cơ quan tham mưu của Bộ, Ban QLDA Thăng Long đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục lựa chọn các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu có kinh nghiệm uy tín.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành công tác GPMB còn lại. “Các nhà thầu khẩn trương huy động đầy đủ nhân, vật lực bắt tay ngay vào công tác thi công, chú trọng công tác quản lý chất lượng, tiến độ đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Trong quá trình thi công nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ, địa phương theo điều kiện hợp đồng đã ký kết”, Thứ trưởng Đông nói.
Dự kiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu kết nối điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km235+000. Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125.
Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 99km, trong đó đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km, đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Liên danh nhà thầu Cienco8 - Phúc Lộc - Vạn Cường là đơn vị trúng thầu.
Gói thầu XL01 đi qua địa bàn 4 xã của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Tổng giá trị gói thầu hơn 1.071 tỷ đồng. Gói thầu XL04 đi qua địa bàn 5 xã, phường của tỉnh Đồng Nai. Giá trị gói thầu hơn 1.027 tỷ đồng.
Thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).
Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các tỉnh và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ. Đồng thời khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai.
Đặc biệt là giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.