Siêu dự án cao tốc Bắc-Nam: Cú hích lớn cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Thứ bẩy, 13/02/2021 15:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đang được triển khai sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo nên cú hích và tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn-QL45.

Từ tuyến cao tốc đầu tiên... đến cao tốc Bắc-Nam

Cuối tháng 11/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đến ngày 30/9/2020, với việc 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đồng loạt được khởi công, trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên của Việt Nam đang từng bước thành hình.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2 thập kỷ, năm 1998 được coi là dấu mốc đặc biệt đối với ngành GTVT khi tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam là Pháp Vân – Cầu Giẽ được khởi công (lúc này chưa được coi là đường cao tốc). Đến năm 2002, khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, Bộ GTVT có Quyết định 2047/2002/QĐ-BGTVT trong đó tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ được gọi là “đường khai thác theo tốc độ cao”.

Siêu dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ là cú hích lớn cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương có dự án đi qua.

Năm 2013, đề xuất nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ lên thành đường cao tốc được chấp thuận. Đến nay, tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn được coi là nền móng đầu tiên của đường cao tốc ở nước ta.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 của ngành GTVT, Bộ GTVT cho biết, tính đến tháng 12/2020, cả nước đã có 1.163km đường cao tốc đưa vào khai thác. Trong đó, riêng giai đoạn 2011 - 2020 đã có tới 1.074km cao tốc được hoàn thành.

Như vậy, tính từ khi tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đưa vào khai thác năm 2002 với chiều dài 32,3km thì trong hai thập kỷ qua, hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đã có sự bứt phá thần tốc. Trong đó, sự ra đời của siêu dự án cao tốc Bắc – Nam chính là cột mốc quan trọng nhất.

Ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030.

Năm 2016, Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km.

Hệ thống giao thông hiện đại trên tuyến QL1.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và theo hình thức PPP.

Dự án mẫu mực, không có “đất diễn” cho nhà thầu yếu kém

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 (triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư), Bộ GTVT đã dồn toàn lực để tiến hành thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu... đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật.

Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm.

Ngoài ra, yêu cầu nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây (trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét).

Nhà thầu đang thi công cả Tết trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho kịp tiến độ.

Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên…

Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

“Dự án phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công đồng thời lựa chọn được các tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao; đáp ứng được những giải pháp bao gồm cả giải pháp về công nghệ nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng,” Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Cao tốc Bắc - Nam là động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ,  nước ta với 5 phương thức vận tải hiện nay gồm: Đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa, tỷ trọng hàng hóa lưu thông trên đường bộ đang chiếm tới hơn 70%, lượng hành khách hơn 90%. Do vậy, việc phát triển đường cao tốc là thực tế khách quan.

“Bên cạnh đó, đường cao tốc Bắc - Nam song song với trục hiện hữu Quốc lộ 1 sẽ góp phần giải tỏa cho tuyến này, nâng cao tốc độ lưu hành, bảo đảm ATGT, phát triển không gian đô thị”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

Cao tốc Bắc - Nam là động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Còn theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức – một người có kinh nghiệm nhiều năm làm cố vấn cao cấp cho Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, hạ tầng giao thông luôn là nguồn động lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào. So với các tuyến đường bộ thông thường khác như quốc lộ, tỉnh lộ..., cao tốc có lợi thế vượt trội, giúp phương tiện đi nhanh hơn nên tiết kiệm nhiên liệu, thời gian di chuyển, giảm ùn tắc giao thông...

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế khẳng định, cao tốc Bắc – Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia, do khả năng tiếp cận đa dạng của các đối tượng khai thác.

Hệ thống đường giao thông Việt Nam đã hình thành một trục dọc với Quốc lộ 1. Cùng với đó, những tuyến đường xuyên tâm chạy từ Đông sang Tây cũng tương đối đầy đủ.

Cao tốc Bắc – Nam sẽ là trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia, do khả năng tiếp cận đa dạng của các đối tượng khai thác.

Tuy nhiên, do đặc thù giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 là giao thông hỗn hợp, dân cư sinh sống dọc hai bên nên tốc độ khai thác thấp, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện vận tải, áp lực giao thông ngày càng gia tăng.

Hiện trạng tuyến đường này không thể nâng cấp mở rộng được, bởi sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, khối lượng GPMB, chi phí đầu tư lớn và hiệu quả không cao.

“Sự xuất hiện của cao tốc Bắc – Nam với những tiêu chuẩn của đường chất lượng cao sẽ khắc phục được hạn chế này của mạng lưới giao thông hiện nay”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau khoảng 2 năm nữa, khi dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành thi công 654km, Việt Nam sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm.

“Về lâu dài, cao tốc Bắc - Nam sẽ tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Vào sáng 30/9/2020, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công và phát lệnh thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc”.

Đánh giá cao vai trò là mũi đột phá chiến lược của ngành GTVT, Thủ tướng yêu cầu liên Bộ GTVT, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau cùng một loạt các dự án cao tốc kết nối liên vùng khác để cuối năm 2025 tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.

“Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo./.

Chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Đối với Bộ GTVT cũng chưa thời kỳ nào chúng ta triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Bộ GTVT luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc. Bởi, chỉ có đường cao tốc mới có thể vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, thuận tiện, giúp cho kinh tế các địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Thời gian qua, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Bộ GTVT triển khai công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc – Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

toanld

Nguồn: Vov.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)