Bộ Giao thông vận tải đang dồn lực hiện thực hóa 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Tháng 5/2021, tranh thủ đang thời gian cao điểm mùa khô, công trường thi công cao tốc Bắc Nam luôn sôi động ngày đêm, cùng với hàng loạt giải pháp cấp bách để cán đích mục tiêu.
Bổ sung hàng trăm km cao tốc
Ngày đầu tháng 5, phóng viên báo Tin tức sau khi đi hết cung đường La Sơn - Túy Loan, qua những vực đèo chênh vênh mây núi, xuyên qua vạt rừng xanh trong lòng rừng quốc gia Bạch Mã, đặt chân tới vùng đất Quảng Trị đầy nắng và gió Lào, lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Theo cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đoàn đang ở địa phận huyện Hải Lăng, cách công trường thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn khoảng 15 km.
Thi công xuyên đêm trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Nhìn xa xa về phía bên kia rừng thấy xuất hiện ánh đèn thắp sáng mờ mờ, xe càng tới gần thì ánh sáng càng đậm hơn, kèm thêm tiếng máy nổ rầm rập từ công trường. Anh Lê Trí Nghĩa (cán bộ dự án) chia sẻ: "Dự án đang tăng tốc bù lại tiến độ khoảng thời gian bị chậm do mưa lũ xảy ra vào năm 2020 và ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm chậm tiến độ. Do vậy, dù là ban đêm, anh em công nhân vẫn thắp đèn thi công”.
Đêm tối giữa công trường nơi rừng sâu, mang lại cho phóng viên nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp về những người "thắp đèn trong đêm" thi công cao tốc. Những chiếc xe lu lầm lũi ngược chiều, máy xúc đào đất đắp nền đường gia tải hoạt động hết công suất, tiếng máy phát điện không ngừng phát, tiếng chỉ huy công trường, tiếng nổ mìn phá núi không ngừng vang vọng…giúp hình hài cao tốc Cam Lộ - La Sơn trên tuyến cao tốc Bắc Nam dần lộ diện, sắp nối dài thêm trục cao tốc xuyên suốt miền Trung trong tương lai không xa.
Sôi động công trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 40% khối lượng, phần nền đắp đường phấn đấu xong trong tháng 7/2021...
Đây là dự án khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, khi hoàn thành sẽ thêm gần 100 km cao tốc vào mục tiêu gần 3.000 km đường bộ cao tốc của Chính phủ và Bộ GTVT đặt ra đến năm 2025.
Bên cạnh những dự án thành phần cao tốc Bắc Nam khác đang khẩn trương thi công tại các địa phương, hai dự án thành phần cao tốc cuối cùng trên tuyến đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (50 km), Cam Lâm – Nha Trang (50 km) dự kiến khởi công cuối quý II/2021 vừa được các nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT sớm cho khởi công ngay trong tháng 5 này để kịp tiến độ và tranh thủ mùa khô từ tháng 4 – 10.
Hiện nay, các nhà đầu tư dự án phối hợp với các Ban Quản lý dự án giao thông Bộ GTVT đang tập trung rà soát giải phóng mặt bằng, kiểm tra các hạng mục đường công vụ, chuẩn bị nguồn vốn thực hiện hợp đồng…
Các giải pháp từ Bộ GTVT
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án cao tốc Bắc Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị về chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc; đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km cao tốc”.
Tính đến thời điểm này, cả nước có 1.163 km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079 km.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT), trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành 871 km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có khoảng 2.950 km đường bộ cao tốc.
Thanh hình cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Cụ thể, ngoài việc hoàn thiện nối dài các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (hoàn thành 375 km, khởi công 387 km), phía Bắc đưa vào khai thác 2 tuyến dài 74 km (Cửa khẩu Hữu Nghị - TP Lạng Sơn, Chợ Mới - Bắc Kạn), khởi công 4 tuyến cao tốc dài 337 km (Vành đai 4 TP Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Miền Trung và Tây Nguyên sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 139 km (Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc), khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong dài 105 km. Phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 147 km (Biên Hòa - Vũng Tàu, Chơn Thành - Đức Hòa) và khởi công 3 tuyến mới dài 194 km (Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành). Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 3 tuyến dài 136 km (Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh), khởi công 2 tuyến cao tốc dài 153 km (Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng - Trần Đề).
“Hệ thống cao tốc này sẽ áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công, đối tác công tư và tạo điều kiện thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội khác, nhất là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách theo hướng đảm bảo quyền bình đẳng giữa Nhà nước - nhà đầu tư và tính khả thi. Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đầu tư công, sau khi hoàn thành cần thiết phải thu phí để hoàn vốn Nhà nước, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông”, ông Nguyễn Viết Huy, Vụ Phó Vụ PPP chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án phải đi trước một bước, khi nhà đầu tư vào sẽ có mặt bằng sạch để triển khai công trình tổng lực.