VEC: Mô hình khắc phục được khó khăn theo hình thức đầu tư công truyền thống và đầu tư PPP

Thứ sáu, 19/11/2021 15:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đánh giá về hiệu quả của mô hình Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, ông Lê Mạnh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, việc xây dựng mô hình Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc chính là giải pháp mang tính quyết định đối với những khó khăn bất cập cũng như thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt khi đầu tư đường cao tốc theo hình thức đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP.

Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng,
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN

Giảm gánh nặng ngân sách bằng mô hình VEC

Qua thực tế ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực, ông Lê Mạnh Tùng cho rằng, mô hình Tổng công ty đường cao tốc chính là sự khắc phục hài hòa về mô hình đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP, giảm gánh nặng cho ngân sách và gánh nặng thuế, phí cho người dân.

Sở dĩ đánh giá mô hình Tổng công ty đường cao tốc là sự hài hòa về mô hình đầu tư là do từ cách tiếp cận vấn đề trên cơ sở thực tiễn, ông Lê Mạnh Tùng cho biết, tại Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay 80% tuyến đường cao tốc là do các tổng công ty đảm nhiệm. Theo đó, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để hài hòa giữa mô hình đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP trong huy động phát triển đầu tư giao thông nói chung cũng như đầu tư phát triển cao tốc nói riêng? Theo đó, nội dung cần khắc phục các bất cập cũng như để hài hòa hiệu quả xã hội nói chung và huy động nguồn vốn ngân sách nói riêng để phát triển mô hình đường cao tốc ở Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Tùng phân tích, nếu xét tiếp cận từ khu vực doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng mong mục tiêu, đối tượng từ các vùng đem lại hiệu quả. Nếu chúng ta đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư PPP cũng có rất nhiều thách thức và cơ hội. Nếu triển khai hoàn toàn các dự án đường cao tốc theo quy hoạch mà chúng ta đã được phê duyệt thì có dự án mang lại lợi nhuận cao. Thời gian thu hồi vốn thấp, hiệu quả của dự án cao thì triển khai PPP cũng rất thuận lợi. Quá trình thực hiện có xét duyệt hồ sơ, đấu thầu... Nhưng đường cao tốc Hồ Chí Minh, đặc biệt là phía Đông nếu chúng ta làm PPP thì khó thu hút được các doanh nghiệp, vì hiệu quả tương đối là thấp. Tổng mức vốn đầu tư bỏ ra rất nhiều, vì số km rất dài, đi qua những vùng địa hình không được thuận lợi để phát triển, chi phí đầu tư tính trên 1km khá lớn. Khả năng hấp thụ nhà đầu tư của dự án thấp, khả năng cạnh tranh thấp hơn các dự án khác nếu chúng ta không xây dựng hoặc làm cho mô hình tổng công ty đường cao tốc tại Việt Nam mà cụ thể là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC thực hiện nhiệm vụ của một doanh nghiệp nhà nước. Bởi có những dự án hấp thụ vốn của nhà đầu tư theo PPP thì doanh nghiệp nhà nước cũng phải có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây ghi đã rõ trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, cụ thể như Nghị quyết số 12 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu và đặc biệt là những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Vì vậy, chúng ta không xây dựng một tổng công ty của quốc gia để phát triển cộng đồng, nhưng những dự án không hấp thụ được vốn, các doanh nghiệp khác không có năng lực thì doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện.

Tuyến cao tốc Tp.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây,
một trong 5 dự án đường cao tốc do VEC đầu tư, đưa vào khai thác từ 2015

Mô hình Tổng Công ty phát triển đường cao tốc cho hiệu quả cao

Theo ông Lê Mạnh Tùng, xét từ phương diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì có nhiều người đặt ra câu hỏi nếu Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư vào các dự án thì có bảo toàn được vốn không? Theo Luật Đầu tư quy định về vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có phát triển được vốn của nhà nước tại doanh nghiệp? 

Để trả lời những băn khoăn trên, ông Lê Mạnh Tùng cho rằng, cần xem xét ở góc độ hiệu quả của doanh nghiệp. Theo đó, cần xem xét doanh nghiệp ở tổng thể các giai đoạn trong quy hoạch và không nên tách ra xét riêng về cạnh đầu tư. Với cách tiếp cận này thì đối với Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hiện tại đang thực hiện 5 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án là đã đi vào khai thác và có hiệu quả, trong đó tổng số km chiều dài Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang quản lý là 485km, chiếm khoảng 40 – 45% hệ thống đường cao tốc đang hoạt động ở Việt Nam. Để vận hành hệ thống này, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, theo đó kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó có các chỉ tiêu lợi nhuận hàng năm hoặc trung hạn hoặc ngắn hạn phải hòa chung tất cả các dự án đường cao tốc đang triển khai thực hiện. Còn bây giờ nếu tính riêng lẻ và chỉ xem xét một dự án hiệu quả thấp thì các nhà đầu tư khác khi thực hiện rất khó khăn về huy động vốn và theo đó sẽ không hấp thụ được vốn. Còn nếu đầu tư theo hình thức PPP thì chi phí huy động nguồn vốn có thể cao hơn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam huy động, bởi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có lợi thế là chi phí vốn rẻ hơn.

Từ phân tích trên, ông Lê Mạnh Tùng cho rằng, chúng ta xây dựng mô hình Tổng công ty đường cao tốc là một giải pháp mang tính quyết định đối với những khó khăn bất cập cũng như thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt khi đầu tư đường cao tốc theo hình thức đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP.

xuannguyen

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)