Tầm quan trọng của tuyến cao tốc này đã được xác định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng do nguồn lực tài chính của quốc gia có hạn nên chưa thể làm được. Lần này Quốc hội quyết định là rất đúng và có thể nói là không thể chậm hơn nữa.
Toàn cảnh phiên họp chiều 10/1. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết: Hạ tầng giao thông là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và ở từng vùng miền nói riêng. Tầm quan trọng của tuyến cao tốc này đã được xác định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng do nguồn lực tài chính của quốc gia có hạn nên chưa thể làm được. Lần này Quốc hội quyết định là rất đúng và có thể nói là không thể chậm hơn nữa. Việc hoàn thành tuyến đường này cũng sẽ là nhân tố rất quan trọng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy kinh tế - xã hội quốc gia phát triển.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, tác động của dự án này có thể nhìn thấy ở một số mặt như: Kết nối các hoạt động kinh tế trong nội vùng và liên vùng, đặc biệt là thực hiện liên kết vùng (như ở Đồng bằng sông Cửu Long); Tạo điều kiện thu hút đầu tư, đặc biệt là ở những có vùng hạ tầng giao thông yếu kém được cải thiện.
Thí dụ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay mới chỉ có 3,4% tổng chiều dài đường cao tốc đang khai thác nhưng nếu đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành cùng với các tuyến cao tốc khác trong gói kích cầu của Chính phủ thì toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 326 km đường cao tốc, chiếm gần 11% đường cao tốc của cả nước vào cuối năm 2025, chắc chắn sẽ kích thích mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tác động xa hơn của việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ góp một phần quan trọng trong phát triển cân đối giữa các vùng miền và theo đó là khai thác thế mạnh của từng vùng miền cho phát triển đất nước, phân bổ dân cư, đô thị hóa trong quá trình phát triển. Cao tốc Bắc - Nam là trục giao thông quan trọng của quốc gia, hiệu quả sẽ tăng lên khi các trục cao tốc nối kết khác được hoàn thành từ đó tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của vùng và quốc gia, nhất là góp phần phát triển ở các vùng đang có hạ tầng giao thông còn yếu kém.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, để dự án nhanh chóng được triển khai kịp thời, chất lượng, hiệu quả cần xử lý các vấn đề như sau:
Trước tiên, với nguồn tài chính lớn, tác động lớn đến người dân (nhất là ở khâu giải mặt bằng) nên công tác giám sát trong quá trình thực hiện là vô cùng quan trọng. Chất lượng công trình là yếu tố có thể nói là cả xã hội quan tâm, có tác động đến hiệu quả khai thác, an toàn trong vận hành, vì vậy nội dung này cần được xem trọng; sự tham gia của chuyên gia, kể cả chuyên gia quốc tế và người dân ở một số địa phương có ý nghĩa lớn đối với công trình trong quá trình xây dựng.
Thêm vào đó, trong thời gian khá ngắn là từ nay đến năm 2025 dự án triển khai 729 km và tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng là một thách thức "rất lớn" đối với Chính phủ và các địa phương. Trong số 12 dự án thành phần thì có nhiều dự án thành phần còn phải thực hiện rất nhiều phần việc, nhất là giải phóng mặt bằng, tái định cư dân... nếu không có các giải pháp hợp lý khó hoàn thành đúng kế hoạch. Vì vậy, để dự án thành công cần có sự phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và các địa phương phải được xem xét là yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai, qua đó nhiều khó khăn có thể được kịp thời tháo gỡ, khắc phục.