Cao tốc Bắc - Nam phía Đông thúc đẩy liên kết giữa các vùng

Thứ ba, 11/01/2022 08:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bên lề kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên TTXVN về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khẳng định: Việc triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là sự tiếp nối của giai đoạn 1 đã thực hiện từ 2017-2020.

Toàn cảnh phiên họp chiều 10/1. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hiện nay, đất nước ta có 4 trục giao thông chiến lược dọc theo chiều dài của đất nước gồm Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển và đường sắt Bắc - Nam cùng với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ góp phần hình thành một mạng lưới giao thông hoàn thiện của quốc gia.

Việc triển khai tổng thể tuyến cao tốc Bắc - Nam với 2.063 km sẽ tạo nên năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính Phủ đã quyết định. Dự án hoàn thiện sẽ là mũi nhọn huyết mạch trong phát triển kinh tế của quốc gia trên tinh thần “Giao thông đi trước mở đường để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước”. Vì vậy, việc hoàn thiện 729 km còn lại là việc làm rất cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trải dài từ cửa khẩu Hữu Nghị của tỉnh Lạng Sơn đến tận cùng mũi Cà Mau là một trục đường có ý nghĩa huyết mạch cùng với hệ thống đường giao thông trục dọc và trục ngang sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của đất nước. Qua đó, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, các địa phương xuyên suốt Bắc - Trung - Nam. Dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nơi tuyến đường cao tốc đi qua trong việc kết nối, giao thương. Riêng với tỉnh Quảng Trị rất cần tuyến đường cao tốc này, do tuyến đường thủy và đường hàng không đang gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là một giải pháp chiến lược kết nối Quảng Trị với các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế trọng điểm ở hai đầu đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Qua đó, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, để phát huy hiệu quả tốt nhất của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cần có sự kết nối với các trục đường dọc và trục đường ngang hiện có. Qua đó, tạo mạng lưới giao thông thuận lợi với các địa phương, cụm kinh tế lớn. Riêng đối với tỉnh Quảng Trị, địa phương cần sớm quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc giữa thành phố Đông Hà và Lao Bảo để kết nối thông thương với nước bạn Lào. Đây là tuyến đường ngắn nhất trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Đông ở Việt Nam. Dự án cao tốc Đông Hà - Lao Bảo được triển khai sẽ tạo ra động lực cho tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển. Khi tuyến đường cao tốc này kết nối với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo ra một hành lang giao thông liên hoàn. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị nói riêng, phát triển Việt Nam nói chung với các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết: Để Dự án triển khai có hiệu quả, cần chuẩn bị các phương án triển khai chặt chẽ trong các khâu như giải phóng mặt bằng; xây dựng khu tái định cư; đền bù thỏa đáng cho người dân; dồn điền đổi thửa cho những hộ dân nằm trong khu vực bị tác động, ảnh hưởng tránh manh mún; giải quyết các xung đột về giao thông nội vùng với tuyến đường cao tốc; bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh hợp lý để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân; chống ngập lụt do tuyến đường gây ra, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung… Những việc này có thể giao lại cho các tỉnh, thành phố nơi đường cao tốc đi qua thực hiện nhằm tăng tính hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng nêu rõ: 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đều được thực hiện theo hình thức đầu tư công trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn là một điều chưa được hợp lý. Cần lựa chọn một vài dự án có điều kiện thuận lợi để thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm khơi dậy và phát huy nguồn lực xã hội cùng nhà nước đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, để thực hiện theo phương thức đầu tư này có hiệu quả cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Qua đó, rút kinh nghiệm hoàn thiện các quy trình hồ sơ, thủ tục, quá trình triển khai... để hình thức đối tác này sẽ được thực hiện có hiệu quả trong tương lai chứ không nên làm theo kiểu “Dễ làm khó bỏ” mà thực hiện hoàn toàn theo hình thức đầu tư công. Mặt khác, cần tính toán đến phương án thu hồi vốn sau khi công trình được đưa vào sử dụng; cần chuẩn bị sẵn sàng về phương án tài chính cũng như các giải pháp trước tình huống thu hồi vốn không đạt được kết quả theo kế hoạch đã đề ra.

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)