Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang khởi động thì 4/11 dự án thành phần trên tuyến phía Đông giai đoạn 1 cũng sắp cán đích theo kế hoạch...
Trong lúc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang ở bước khởi động thì 4/11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 cũng sắp cán đích theo kế hoạch được Bộ GTVT ấn định.
Thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai Ảnh: Vĩnh Phú
Rút ngắn thời gian thi công từ 1 - 3 tháng
Trung tuần tháng 2/2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 cấp tập chạy nước rút khi thời gian để hoàn thành khối lượng công việc được giao không còn nhiều.
Tinh thần lao động của hơn 1.500 kỹ sư, công nhân càng khẩn trương hơn khi mục tiêu rút ngắn thời gian về đích 3 tháng được Ban điều hành dự án đặt ra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng trong chuyến kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm đầu năm.
“Sau kỳ nghỉ Tết, 68/68 mũi thi công tại dự án nhanh chóng được ổn định. Trước Tết, khối lượng thi công mới được hơn 48% thì hiện con số này được nâng lên 50,43%, vượt gần 3% so với kế hoạch đề ra.
Gói thầu nhanh nhất là gói số 10, đạt gần 58% (vượt khoảng 3,8%), gói thầu số 13 đạt 55% (vượt khoảng 3,2%)”, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 thông tin.
Chia sẻ thêm, ông Long cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ GTVT, đối với các đoạn nền thông thường, ban điều hành dự án sẽ yêu cầu nhà thầu xem xét rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án trước mùa mưa.
“Mục tiêu đặt ra là đến hết tháng 7/2022, đoạn từ Mai Sơn đến QL217 (khoảng 30km) sẽ hoàn thiện 1 - 2 lớp thảm để phương tiện lưu thông được trên tuyến, cơ bản cán đích trước 3 tháng.
Riêng 4,6km đất yếu do nhà thầu Xuân Trường đảm nhận sẽ chưa thể thi công móng mặt do đang trong giai đoạn quan trắc lún và chờ lún”, ông Long cho hay.
Tương tự, tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện dự án đã đạt 73,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh Bộ GTVT chấp thuận. Trong đó, 8/11 gói thầu đã cơ bản thi công xong nền.
“Khởi công ngày 16/9/2019, kế hoạch hoàn thành dự án ban đầu là tháng 2/2022. Song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với thời tiết khu vực dự án mưa nhiều, quá trình thi công phải xử lý đất yếu bổ sung... nên dự kiến điều chỉnh kéo dài thời gian hoàn thành phần lớn các gói thầu đến 30/6 năm nay; có 3 gói thầu đến 30/8, 2 gói thầu đến 31/10.
Mặc dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban QLDA đã nghiên cứu rút ngắn thời gian về đích của hai gói thầu dự kiến hoàn thành muộn nhất là gói XL7 và XL8 với thời gian 1 tháng/gói thầu. Tức là, tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án rút ngắn xuống 30/9 năm nay”, ông Sáu nói.
Trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, gói thầu XL-03 đón nhận tin vui khi tỉnh Đồng Nai vừa chấp thuận đưa vào khai thác hai vị trí hạ nền, cải tạo đất nông nghiệp.
Từ ngày 16/2, nhà thầu đã có thể khai thác đất đắp tại hai vị trí hạ nền, cải tạo đất tại khu vực xã Xuân Hưng (diện tích 7,3ha) và khu vực xã Suối Cát (diện tích 4,2ha), huyện Xuân Lộc. Nguồn đất đắp cho gói thầu cơ bản được giải quyết.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL-03 cho biết, gói thầu có chiều dài hơn 35km. Hiện, hơn 5km đã thảm nhựa. Nhà thầu đang tổ chức 3 ca thi công xuyên ngày đêm để hoàn thành khối lượng công việc còn lại.
Theo ông Phạm Minh Khôi, cán bộ Ban điều hành dự án Phan Thiết - Dầu Giây, tính từ khi khởi công đến ngày 16/2/2022, sản lượng thi công dự án đạt 30,14% giá trị các hợp đồng, nhanh so với kế hoạch điều chỉnh khoảng 1%.
Trong đó, gói thầu số 2 vượt kế hoạch 1,39%; Gói thầu số 3 vượt tiến độ 3,67%; Gói thầu số 4 vượt khoảng 1,14%.
“Các nhà thầu vẫn đang quyết liệt tăng cường huy động đẩy nhanh thi công và cam kết đảm bảo hoàn thành công trình trong tháng 12/2022 theo đúng kế hoạch”, ông Khôi nói.
Tiếp tục gỡ khó nguồn vật liệu
Mặc dù là dự án thành phần đang có tốc độ triển khai nhanh nhất, song, quá trình thi công cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 vẫn không tránh khỏi khó khăn.
Theo ông Lương Văn Long, hiện tại gói thầu số 10 đang thiếu khoảng 700.000m3 đất đắp. Nguyên nhân là do trước đây, bước khảo sát đã đưa ra 3 mỏ phục vụ dự án, gồm: đồi Giàng, Sòng Vặn và Thống Nhất.
Tuy nhiên, mỏ Thống Nhất chỉ lấy được đất ở tầng phủ. Tổng khối lượng đất dự tính cho gói thầu khoảng hơn 2 triệu m3, hiện còn thiếu khoảng 1 triệu m3.
Theo đánh giá, mỏ Thống Nhất sẽ khai thác thêm được 300.000m3. Để giải quyết 700.000m3 đất thiếu, nhà thầu đã có văn bản đề nghị địa phương mở rộng mỏ đồi Giàng thêm 8,6ha, đủ lượng đất cho gói thầu.
UBND tỉnh Ninh Bình đang chờ văn bản của Bộ GTVT để xem xét cấp cho nhà thầu. Nếu thuận lợi, trong tháng 3/2022, nguồn đất sẽ được khơi thông.
Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đang trông ngóng nguồn vật liệu để về đích trong năm 2022. Theo đại diện Ban điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án đang thiếu khoảng 3 triệu m3 vật liệu đắp đường.
Để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã cấp phép 5 mỏ dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 2/2022, đáp ứng cơ bản khối lượng vật liệu đất đắp còn thiếu.
Khối lượng vật liệu thiếu còn lại (khoảng 0,7 triệu m3) sẽ sử dụng nguồn từ 2 mỏ đang thực hiện thủ tục cấp phép với trữ lượng 0,9 triệu m3 (mỏ vật liệu san lấp tại thôn Phú Thái 5,5ha, thôn Lâm Giang 6ha cùng thuộc xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc), dự kiến xong trong tháng 3/2022.
Trong khi đó, tại dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, hạn chế nguồn cung đất đắp trong giai đoạn đầu cũng khiến hai gói thầu XL5 và XL6 có tiến độ chậm.
“Theo tính toán, khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 370.000m3. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã làm việc với địa phương mở rộng các mỏ để cấp cho các gói thầu này, hiện địa phương đang giải quyết các thủ tục.
“Ngay khi nguồn vật liệu đất đắp được tháo gỡ, để bù đắp được tiến độ chậm, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường thêm thiết bị, tăng ca, tăng kíp trong khoảng thời gian còn lại để dự án về đích đúng hẹn”, ông Lê Văn Sáu cho hay.