Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đang huy động lực lượng, dồn sức tháo gỡ vướng mắc để bàn giao mặt bằng sạch cao tốc Bắc - Nam ngay trong tháng 3.
Chủ động nguồn "cung" nguyên liệu san lấp
So với các tỉnh, với việc đấu thầu xong các vị trí mỏ đất, đá bổ sung vào quy hoạch nên có thể nói Nghệ An đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cho cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn và hiện chỉ còn một vài mỏ hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nghi Sơn sang
thị xã Hoàng Mai đã triển khai được 7-10% khối lượng
Trước đó, do lo ngại về số lượng mỏ đất, đá thi công cao tốc lên tới gần 20 triệu m3 và thủ tục đấu giá mỏ khá phức tạp, mất nhiều thời gian nên tình trạng thiếu nguyên liệu san lấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, do vậy, từ cuối năm 2021, Ban Quản lý dự án 6 và Bộ Giao thông Vận tải liên tục hối thúc tỉnh vào cuộc, tháo gỡ, cắt bỏ những thủ tục và thời gian nếu có thể để đảm bảo tiến độ dự án.
Đầu tháng 3, có mặt tại xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), chúng tôi được đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Hưng Nguyên cho biết: Hưng Trung là điểm triển khai sớm nhất của dự án hợp phần Diễn Châu - Bãi Vọt qua địa bàn huyện Hưng Nguyên. Hiện tại, các nhà thầu đang lấy đất san lấp làm đường công vụ và đoạn qua xã Hưng Trung đã phóng tuyến; sắp tới sẽ triển khai sang các xã Hưng Tây, Hưng Đạo...
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Hưng Trung cho biết: Được tỉnh và huyện quan tâm nên khu tái định cư cho các hộ bị thu hồi nhà và đất làm khá sớm, vị trí đẹp nên sau khi tỉnh và huyện làm thủ tục di dời, bố trí tái định cư xong, từ cuối năm 2021, người dân đã làm nhà mới, đồng thời từ sau Tết đã tháo dỡ nhà cửa để bàn giao cho dự án.
Theo ông Phùng Ngọc Tú – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Nghi Lộc có 7,14 km cao tốc chạy qua 4 xã và 374 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất nông nghiệp, gần 1 năm nay huyện đã bàn giao mặt bằng cơ bản và chỉ vướng 150m. Hiện nay, huyện chỉ vướng 1 hộ dân ở xã Nghi Phương, 1 hộ ở xã Nghi Đồng và 3 ngôi mộ ở xã Nghi Đồng và Ban GPMB huyện đã về làm việc và vận động.
Hiện tại, sau khi làm thủ tục chuyển đổi 23 ha đất rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đang cho công nhân khai thác, thu dọn cây trên đất để bàn giao mặt bằng. Về nguyên liệu đã có 2/3 vị trí mỏ tại 2 xã Nghi Lâm và Nghi Kiều đấu thầu xong và 1 mỏ đá tại lèn Dơi, xã Nghi Yên được nâng công suất.
Trong khi đó, tại xã Diễn Lợi và xã Diễn Phú (Diễn Châu), các nhà thầu đang tập kết vật liệu và làm đường công vụ nối từ đường N2 vào vị trí mỏ đất để chuẩn bị khai thác. Tương tự, tại nút giao Quốc lộ 7 với cao tốc Bắc - Nam qua xã Diễn Cát, các nhà thầu thi công đang khoan địa chất, đan lồng thép chuẩn bị đổ bê tông và ép cọc móng cầu vượt. Nhìn từ phía nút giao này, hình hài cao tốc đã cơ bản hình thành.
Đại diện UBND các huyện xác nhận: Đến thời điểm này, các khu tái định cư cho cao tốc cơ bản đã xong. Cá biệt Ban GPMB dự án thành phần cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ tái định cư xã Diễn Lợi.
Trong khi đó, tại huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai, mặc dù bị chậm 1 tháng rưỡi do vướng dây điện nhưng đến nay đã hoàn thành di dời và hạ ngầm đường điện cao thế. Vì vậy, cầu vượt cao tốc tại Quốc lộ 48B xã Quỳnh Mỹ và Quốc lộ 48D (đường 36) tại TX. Hoàng Mai đã thi công 60-80% khối lượng và hiện các nhà thầu khác đang làm đường nối lên cao tốc. Đại diện nhà thầu thi công cầu vượt tại xã Quỳnh Mỹ phấn khởi: Nút giao này thuộc gói dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, mặc dù bị chậm tiến độ 1 tháng rưỡi nhưng do thi công sớm, khối lượng được nhiều hơn. Sau khi di dời đường cao thế tiến độ thi công nhanh hơn và có bàn giao trước tiến độ đề ra vào tháng 7 năm 2023.
Tiếp tục vào cuộc giải quyết khúc mắc mới phát sinh
Bên cạnh các thuận lợi cơ bản trên, từ thực tế tìm hiểu tại hiện trường thi công, có một số vấn đề mới nổi lên rất cần được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Kỹ sư Trần Văn Hợi, đại diện Ban Điều hành thi công tại nút giao Quốc lộ 7 ở xã Diễn Cát chia sẻ: Nút giao này do Công ty CP Trường Sơn thi công, chiều dài chỉ 900m gồm cả cầu vượt Quốc lộ 7 và chiều dài về 2 phía, nhưng do có đường điện cao thế 220 KV phía trên nên tiến độ khá chậm; đơn vị triển khai máy móc, thiết bị từ cuối năm ngoái nhưng mới chỉ khoan móng, địa chất và làm lồng sắt chứ chưa dám triển khai dựng cọc vì không an toàn.
Từ thực tế khảo sát hiện trường, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu co hay: Ngoài các nút giao tiếp giáp trực tiếp với đường điện cao thế 220 KV hoặc 110 KV như xã Diễn Cát, hiện có một số đoạn cao tốc trùng với tỉnh lộ, huyện lộ cũng có đường điện phía trên do chưa di dời thì nhà thầu không thi công được. Dù biết thủ tục di chuyển đường điện cao thế khá phức tạp nhưng huyện Diễn Châu mong các sở, ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh vào cuộc tích cực, quyết liệt; kiến nghị với ngành Điện di dời sớm đường dây để thi công.
Cũng tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có 8 hộ xã Quỳnh Lâm vì chưa có trích đo nên chưa thể đền bù và di dời. Theo các nhà thầu thì thi công di dời đường dây cao thế không khó, tại nút Quỳnh Mỹ chỉ làm 3 tiếng là xong, nếu phối hợp đồng bộ và chuẩn bị tốt không phải cắt điện kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Sau khi di chuyển, cáp nối cũng đồng thời hạ ngầm đường điện cắt chéo nên khá thông thoáng. Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cuối năm 2021, ông Phan Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực sớm xem xét cắt điện, di dời đường cao thế vào giữa đến cuối tháng 3 hoặc tháng 4 để phục vụ thi công cao tốc kịp tiến độ...
Tại Văn bản số 1090 ngày 22/2/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chỉ đạo các huyện tăng cường vận động, tuyên truyền, cố gắng phấn đấu đến 15/3 và chậm nhất ngày 30/3/2022 sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án.