Đồng bằng sông Cửu Long: Đột phá từ mạng lưới đường cao tốc

Thứ ba, 12/04/2022 09:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Thế nhưng, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ đã tạo thành điểm nghẽn. Để bứt phá, Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Cao tốc Trung Lương - TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng đối với khu vực phía Nam. Ảnh: THANHNIEN.VN

Tập trung xây dựng hàng loạt tuyến cao tốc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối vùng ĐBSCL - vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang gắn kết hệ thống cảng biển với các cửa khẩu quốc tế.

Cụ thể, ba trục dọc cao tốc gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 245 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Đức Hòa (Long An) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 180 km; tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km. Còn ba trục ngang cao tốc gồm có: Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu dài 212 km; tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.

Trong đó, tuyến cao tốc trục dọc bắc-nam phía Đông, đoạn TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau được kỳ vọng tạo đột phá phát triển cho toàn vùng. Theo ông Phạm Minh Hải, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), hiện tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 245 km nhưng đến nay chỉ đưa vào khai thác đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương với chiều dài 40 km. Cùng với đó là vào tháng 1-2022, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác, phục vụ người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ đường bộ cao tốc của vùng hiện vẫn thấp nhất so với cả nước, gây nên tình trạng quá tải hạ tầng đường bộ. 

“Hệ thống đường bộ vùng ĐBSCL quá tải trầm trọng, thế nên, những năm tới, người dân chúng tôi rất mong mỏi có những tuyến cao tốc kết nối toàn vùng để mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội khởi sắc”, ông Trần Hồng Nho (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nêu.

Tín hiệu đáng mừng là mới đây, Bộ Giao thông vận tải cùng UBND năm tỉnh, thành phố gồm Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang đã tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (đợt 1) dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Dự án có tổng chiều dài gần 110 km, kinh phí đầu tư khoảng 27.254 tỷ đồng. Dự kiến khởi công cuối năm 2022 và hoàn thành cuối năm 2025. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá tuyến đường cao tốc có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các vùng, trung tâm kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL. Hiện, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Về trục ngang, tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang)-Cần Thơ-Sóc Trăng cũng rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng tuyến cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðây là tuyến giao thông quan trọng kết nối các tỉnh phía Tây và phía Đông vùng ĐBSCL. Thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và địa phương liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu huy động cao nhất về nhân lực, máy móc, thiết bị, tăng tốc thi công, bảo đảm đúng tiến độ, khai thác hiệu quả, tạo động lực cho vùng ĐBSCL cất cánh. 

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị đầu tư dự án) Trần Văn Thi cho hay, giai đoạn 1, tuyến cao tốc dự kiến sẽ đầu tư đường quy mô 4 làn xe, chiều rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư quy mô 6 làn xe, chiều rộng hơn 32 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện hơn 83.000 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị nguồn vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, để có thể khởi công 2023 và hoàn thành 2025.

Đột phá từ mạng lưới đường cao tốc -0

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào khai thác, góp phần đồng bộ hạ tầng 
giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: ĐOÀN SƠN

Đồng bộ toàn hệ thống hạ tầng

Song song với việc xây dựng hệ thống đường cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cũng thông tin, vùng ĐBSCL sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc, bao gồm các quốc lộ: N1, 1, 50, 60, 61C, 62, 30, 80, 91, 63, đường Nam sông Hậu, đường Quản Lộ với tổng chiều dài dự kiến khoảng 1.815 km; quy mô theo quy hoạch (cấp IV- II, 2-6 làn xe); duy trì khai thác ổn định các tuyến quốc lộ thứ yếu với tổng chiều dài khoảng 2.351 km (cấp IV-II, 2-4 làn xe).

Đối với tuyến đường bộ ven biển, do địa phương đầu tư bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tuyến đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788 km. Đối với các tuyến đường liên tỉnh, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng gồm: Tuyến Khánh Bình-Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp) dài khoảng 85 km; tuyến An Giang-Kiên Giang-Hậu Giang từ quốc lộ N1 đến quốc lộ 61C dài khoảng 130 km; Tuyến Tiền Giang-Long An-kết nối vào quốc lộ 50 về TP Hồ Chí Minh dài khoảng 30 km; tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp)-Ô Môn (Cần Thơ)-Giồng Riềng (Kiên Giang) dài khoảng 77 km.

Về đường sắt, mạng lưới đường sắt trong vùng ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 1 tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ chiều dài khoảng 174 km, khổ đường 1.435 mm. Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò cảng hàng không phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng. Cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau, ngoài vai trò là cảng hàng không nội địa, còn đóng vai trò là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay.

Nằm trong chiến lược phát triển trên, mới đây, ngày 29-3, tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2, nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Đây là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang-Bến Tre. Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là dự án đầu tư công với tổng kinh phí hơn 5.175 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định, đây là công trình rất quan trọng, vừa góp phần hoàn thiện mạng lưới đường quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt. 

Theo Viện trưởng Chiến lược và Phát triển (Bộ GTVT) Lê Đỗ Mười, tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL mang lại rất lớn nhưng hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng. Do đó, việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thời gian tới sẽ giúp cho toàn vùng “cất cánh”, giải quyết ách tắc cho giao thông, đưa kinh tế, xã hội cho cả vùng ĐBSCL đi lên.

“Vùng ĐBSCL có mật độ dân số đông, lưu lượng nông sản, hàng hóa rất lớn nhưng đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng lại xây dựng, phát triển không tương xứng. Thế nên, khi xây dựng cũng cần tính thêm bài toán kết nối hạ tầng giao thông. Còn về đường thủy tập trung nâng cấp kênh Chợ Gạo, cảng, tĩnh không cầu, phát triển trung tâm logistics vùng…”, ông Mười phân tích.

Về mặt đầu tư, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để có vốn xây dựng thì 50% chi phí làm đường sẽ thông qua hoạt động thu phí, 50% còn lại có thể dùng trái phiếu chính phủ phát hành. Tóm lại, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, vốn đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc có thể tính toán bằng nhiều cách linh hoạt để mang lại hiệu quả cao.

Từ nay đến năm 2025, khu vực ĐBSCL triển khai 19 dự án gồm: 17 dự án đường bộ, một dự án hàng hải, một dự án đường thủy nội địa. Trong đó, sáu dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang tổ chức triển khai thi công, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu và hai dự án đang chuẩn bị khởi công. Giai đoạn 2025-2030, khu vực này sẽ có thêm 14 dự án đường bộ, ba dự án hàng hải, ba dự án đường thủy, bốn dự án hàng không, một dự án đường sắt (TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ) được đầu tư. 

toanld

Nguồn: Báo Thời Nay

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)