Tại cuộc làm việc mới nhất với UBND tỉnh Nghệ An về giải phóng mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam gần đây, trước những hạng mục phát sinh từ thực tế thi công, các địa phương đã đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo an toàn giao thông, môi trường và công năng sử dụng các công trình sau khi cao tốc đi vào vận hành.
Chủ động đề xuất điều chỉnh thiết kế
Đến thời điểm này, cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành trên 35% khối lượng thi công và phấn đấu có thể thông tuyến vào cuối năm nay; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt do chọn nhà thầu muộn, nên đang trong quá trình làm hồ sơ giải phóng mặt bằng và khối lượng thi công hiện mới chỉ trên dưới 15%.
Nhà thầu thi công đường công vụ từ N2 vào mỏ đá xã Diễn Lợi, Diễn Châu
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc, bên cạnh xem xét kiến nghị liên quan đến quyền lợi của từng hộ dân về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; còn một vấn đề mới là các hạng mục mới phát sinh cần được cập nhật, chỉnh sửa kịp thời vào phương án thi công.
Hình hài cao tốc mới đang hình thành trên thực tế nên có một số vấn đề phát sinh cần cập nhật, nếu giải quyết kịp thời cùng với quá trình thi công xây lắp thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
(Ông Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai)
|
Chia sẻ quan điểm này, đại diện UBND tỉnh cũng cho rằng, so với thực tế, mặc dù mặt cắt bản vẽ cao tốc Bắc - Nam đã thiết kế các cống dân sinh, cống qua đường hay hàng rào taluy để người dân đi lại, chống ngập úng… nhưng khi con đường hình thành, người dân cũng như chính quyền địa phương thông qua vai trò của người giám sát cộng đồng mới nhận thấy những bất cập phát sinh và có những kiến nghị là đúng.
Cao tốc Bắc - Nam với cao trình thiết kế khá cao như một con đê chạy dọc từ Bắc vào Nam, nên ở đoạn có cầu hoặc cống khẩu độ lớn đi qua, nếu không có cống đủ lớn thì rất nguy hiểm và dễ gây ngập lụt cục bộ. Vì vậy, trên cơ sở xem xét, từ đầu tháng 2 khi đẩy nhanh tiến độ thi công, Sở Giao thông vận tải và UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Ban quản lý dự án 6 xem xét để cập nhật vào phương án thiết kế thi công để góp phần đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống úng ngập.
Cụ thể, hiện tại UBND xã Quỳnh Vinh (Thị xã Hoàng Mai) kiến nghị Bộ giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 6 bổ sung hệ thống kỹ thuật để bảo vệ đường ống nước D800 tại Quốc lộ 48D do giao cắt với cao tốc và nằm trong phạm vi xung quanh nút giao với cầu vượt Quốc lộ 48D. Vấn đề trên được đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết đã xem xét và trình UBND tỉnh.
Thị xã Hoàng Mai cũng đề nghị có phương án di dời một số hộ có nhà ở, công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh để ổn định cuộc sống. Bởi nếu ở lại thì người dân vừa không được tu sửa nâng cấp nhà và không đảm bảo an toàn giao thông sau khi cao tốc vận hành.
Tại Quỳnh Lưu, UBND huyện cũng kiến nghị chủ đầu tư điều chỉnh kích thước hầm chui tại Km402+942,68 tại xã Quỳnh Hoa để phù hợp với quy hoạch được Tỉnh lộ 537D.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Nghệ An, ngoài các vị trí trên, UBND tỉnh xem xét và kiến nghị bổ sung cống chui tại Km 414+094 tại xã Diễn Đoài (huyện Diễn Châu) để nhân dân đi lại và sản xuất được thuận lợi; bổ sung hệ thống đường gom tại xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) nhằm kết nối với đường Lê Xuân Đào, vào Khu Di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chiều dài khoảng 400 m.
Những vướng mắc, bất cập mới phát sinh
Ngoài các vướng mắc phát sinh từ trước, thời gian gần đây, quá trình thi công cao tốc còn có một số nội dung mới. Đó là huyện Diễn Châu tiếp tục đề xuất bổ sung hệ thống kè kênh tiêu nước Sơn Tịnh, từ Km413+100 đến Km413+864 tại xã Diễn Đoài nhằm đảm bảo thoát nước và tránh sạt lở phía Tây đường Cao tốc Bắc - Nam khi mùa mưa lụt sắp tới; bổ sung cống chui tại xã Diễn Yên, Diễn Châu tại Km 415 +180 để nhân dân đi lại và sản xuất nông nghiệp được thuận lợi.
Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu giải thích: Hiện tại cao tốc đang trong giai đoạn thi công nên ảnh hưởng chưa rõ, nhưng hoàn thành thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng; vào mùa mưa, nước từ kênh Sơn Tịnh đổ về, cao tốc như bờ ngăn, nếu không có kè sẽ gây xói lở.
Trong khi đó tại Thị xã Hoàng Mai, quá trình thi công cầu vượt sông Hoàng Mai, đơn vị thi công đã đắp đường công vụ bằng ngăn sông và chỉ mở một cống chạy qua sông với khẩu độ khá nhỏ.
Hiện tại đang mùa nắng chưa ảnh hưởng nhưng chỉ cần mưa lớn và hồ Vực Mấu buộc phải xả lũ thì dễ gây ngập úng cho vùng xung quanh. Vì lý do đó, trên cơ sở đề xuất của Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai, Thị xã đã có văn bản đề nghị các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để chủ động có các giải pháp khơi thông, trả lại dòng chảy trước khi mùa mưa đến.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ
thi công cầu vượt sông Hoàng Mai qua địa bàn xã Quỳnh Vinh
Phúc đáp các kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An và các địa phương, đại diện Ban quản lý dự án 6 cho biết, các kiến nghị hợp lý và trong thẩm quyền, Ban quản lý dự án 6 đã cập nhật, tiếp thu và chỉnh sửa. Tuy vậy, thực tế cho thấy có một số kiến nghị của tỉnh đã vượt thẩm quyền của Ban, nếu điều chỉnh sẽ dẫn đến đội dự toán vốn công trình nên Ban phải tính toán lại để trình Bộ Giao thông vận tải xem xét. Hiện tại, tổng mức đầu tư cho toàn dự án đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua và từng tiểu dự án đã được cấp có thẩm xem xét phê duyệt.
Hiện nay, để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, theo quan sát vào buổi trưa và chiều tại các nút giao giữa cao tốc với Quốc lộ 48B qua Quỳnh Mỹ, Quốc lộ 48E qua Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), Quốc lộ 48D qua xã Quỳnh Vinh (TX Hoàng Mai), Quốc lộ 48 qua xã Diễn Đoài, Quốc lộ 7 qua Diễn Cát, đường công vụ lấy nguyên liệu đất từ N2 qua xã Diễn Lợi (Diễn Châu), các đơn vị thi công đều bố trí xe phun nước để giảm thiểu bụi đất.
Đối với kiến nghị đơn vị thi công phải khắc phục hư hỏng đối với các đường công vụ ngoại tuyến, đại diện Ban quản lý dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện tốt cam kết này với người dân và chính quyền địa phương.