Triển khai Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch

Thứ ba, 26/07/2022 08:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch  - Ảnh 1.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ
cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 17.837 tỷ đồng.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (Dự án) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án đối với dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 02 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Trước 20/11/2022, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần

Cho phép Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; bao gồm:

Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 20/11/2022 để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật bảo đảm phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

Các địa phương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện các công việc khác có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Các địa phương chủ trì xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu các dự án thành phần; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) bảo đảm tiến độ thi công.

Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần tuân thủ đúng các giai đoạn, bước thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế đặc thù.

* Theo Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Dự án có chiều dài khoảng 53,7 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 17.837 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.

toanld

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)