Đoàn công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng do ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Cao tốc Liên Khương - Prenn
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022. Dự án có tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc). Điểm đầu dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn phân kỳ bố trí chiều rộng nền đường Bnền=17,0 m với 4 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng Bnền= 22,0 m theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Để triển khai dự án, dự kiến cần khoảng 455 ha đất, trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha. Và phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22 m. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha (rừng tự nhiên 126,37 ha, rừng trồng 59,85 ha); trong đó tỉnh Lâm Đồng là 144,78 ha (rừng tự nhiên 123,29 ha, rừng trồng 21,49 ha), tỉnh Đồng Nai là 41,43 ha (rừng tự nhiên 3,08 ha, rừng trồng 38,36 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương mục đích sử dụng rừng tại Văn bản số 660/TTg-NN ngày 22/7/2022.
Dự án đi qua địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có chiều dài 11 km, quy mô giống như quy mô chung của dự án. Diện tích nhu cầu sử dụng đất của dự án qua địa phận tỉnh Đồng Nai theo số liệu cập nhật của khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã được các cơ quan tỉnh Đồng Nai góp ý) là 86,34 ha. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất: khoảng 429 hộ tương ứng với 1.145 người sử dụng đất bị ảnh hưởng. Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 421 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua kết quả đo đạc, kiểm đếm của đơn vị tư vấn khung chính sách thì phía tỉnh Đồng Nai phát sinh thêm diện tích 9,22 ha đất trồng lúa nên cần phải báo cáo HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụ̣ng đất đối với diện tích này để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Tại buổi làm việc, theo kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, phía Đồng Nai cũng đã cơ bản chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai làm cơ sở cho UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai các hồ sơ, thủ tục có liên quan để động thổ dự án theo tiến độ đề ra. Đồng Nai cũng thống nhất sẽ trình HĐND để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với diện tích 9,22 ha để thực hiện dự án theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai.
Theo kế hoạch dự kiến của UBND tỉnh Lâm Đồng, Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ khởi công vào tháng 9/2023. Đây là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (cùng với Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương). Và dự án hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.