Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị
Nhiều hạng mục bảo đảm tiến độ
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 116,577km; điểm đầu tại nút giao tại Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km117+593 giao nhau với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trong đó đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa 32,7km, tỉnh Đắk Lắk 84,8 km.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô đường ô-tô cao tốc tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m.
Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng 938,54ha, gồm: Đất trồng lúa 2 vụ 133,46ha; đất nông nghiệp khác 202,64ha; đất ở 29,47 ha; đất trồng cây lâu năm 48,52ha; đất rừng sản xuất 437,57ha; đất rừng phòng hộ 33,61ha và đất khác là 53,27ha.
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 116,577km; được đầu tư theo quy mô đường ô-tô cao tốc tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m.
Dự án có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 từ Km 0+000 đến Km 32+000 với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 từ Km 32+000 đến Km 69+500 với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 từ Km 69+500 - Km117+593 với chiều dài khoảng 48,5km, tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 đi qua địa bàn 3 huyện Ea Kar, Cư Kuin và Krông Pắc của tỉnh Đắk Lắk với 407 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 313 hộ tái định cư.
Xác định cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nên trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các huyện, xã có cao tốc đi qua đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk Đỗ Quang Trà cho biết, tính đến đầu tháng 8/2023, tại dự án thành phần 3 thuộc tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, cơ quan chức năng các địa phương đã và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt lựa chọn nhà thầu 7 gói thầu của dự án. Đối với 8 gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đang được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất đưa 18 vị trí bãi thải, 17 vị trí trạm trộn, 11 vị trí mỏ đất, 19 vị trí mỏ đá và 9 vị trí mỏ cát phục vụ dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cũng đã công bố thông tin giá vật liệu xây dựng theo tháng để phục vụ cho Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột bảo đảm theo quy định.
Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt điều chỉnh quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Ea Kar và Krông Pắc có dự án cao tốc đi qua.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh theo ý kiến Kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, trong đó có rà soát, cập nhật các nội dung đề xuất tích hợp các mỏ vật liệu và quy hoạch 3 loại rừng vào hồ sơ quy hoạch tỉnh trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương liên quan…
Về công tác giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đến nay các huyện Ea Kar, Cư Kuin và Krông Pắc cơ bản đã hoàn thành công tác đo đạc, trích lục và kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất và tiến hành phê duyệt, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư dự án thành phần 3 để thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh thực hiện dự án, đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã bố trí vốn cho dự án hơn 1.359 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 437,2 tỷ đồng…
Đối với dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt điều chỉnh quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn các huyện có dự án thành 2 đi qua.
Bộ Giao thông vận tải đã giao vốn cho dự án thành phần 2 được 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, các huyện đang đẩy nhanh công tác đo đạc, trích lục, xác định nguồn gốc sử dụng đất để đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án.
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dự án thành phần 1 và 2 cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là quy định về bồi thường, hỗ trợ cây trồng đối với cây keo lai người dân tự trồng.
Việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất còn khó khăn, phức tạp do các loại giấy tờ, tài liệu, bản đồ về đất đai, kiểm kê rừng qua các thời kỳ không đồng nhất, phải thu thập tài liệu, bản đồ, các loại giấy tờ liên quan, thành lập tổ kiểm tra, rà soát, làm cơ sở để xác định nguồn gốc đất.
Cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án
Đặc biệt, đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng liên quan đến dự án nên chưa có cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện…
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, ông Phan Xuân Bách, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng xây dựng.
Sớm xem xét sửa đổi, bổ sung về việc quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh từ “Không áp dụng tận thu, tận dụng đối với cây công nghiệp tập trung gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, tài sản sau khi Nhà nước bồi thường phải tổ chức thu hồi và bán đấu giá theo quy định” thành “Cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phép tận thu sản phẩm cây lâm nghiệp là rừng trồng (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để trồng rừng) sau khi Nhà nước bồi thường, hỗ trợ”.
Đại diện Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư Dự án thành phần 2 Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột kiến nghị các bộ, ngành quan tâm, sớm có văn bản tham gia ý kiến thẩm định để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thành công tác chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án 6 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp với Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) giải quyết ngay các vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; bổ sung khối lượng khai thác vật liệu xây dựng; công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng… để việc thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đúng tiến độ, bảo đảm chi bồi thường minh bạch đúng quy định của pháp luật.