Sáng ngày 6/8, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang đã họp nghe báo cáo quá trình thực hiện, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng (GPMB), các khó khăn, vướng mắc của Dự án.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) chủ trì cuộc họp. Tham dự có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ; lãnh đạo các sở, ngành thành viên BCĐ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Dự án có tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương; thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Dự án được bố trí vốn đến năm 2024 trên 1.476 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 1.154 tỷ đồng, cân đối ngân sách địa phương 100 tỷ đồng và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh 222,465 tỷ đồng). Trong đó, năm 2024 kế hoạch vốn bố trí 315 tỷ đồng, đã giải ngân 234 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch.
Tính đến ngày 5/8, đã chi chả tiền bồi thường, GPMB cho 747/763 hộ, mặt bằng thi công đã giao cho nhà thầu 26,844/27,48km. Các khu tái định cư được xây dựng tại các xã: Quang Minh, Hùng An và Tân Quang đang được tích cực thi công, dự kiến hoàn thành, bàn giao trước 30.8. Công tác di rời hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông đã hoàn thành 95% xây dựng các hạng mục, đảm bảo mặt bằng thi công; xây dựng hoàn trả công trình nhà văn hóa thôn Quang Tiến (xã Quang Minh), nhà văn hóa và sân vận động thôn An Tiến (xã Hùng An) đạt 95%.
Hiện nay, tổng giá trị khối lượng xây lắp 3 gói thầu thi công đạt trên 783 tỷ đồng, đạt 33,85% giá trị hợp đồng, trong đó: Gói thầu số 03-XL đạt 42,09%, Gói thầu số 04-XL đạt 34,77%, Gói thầu số 05-XL đạt 23,86%.
Dự án đang gặp một số vướng mắc như: Còn 14 hộ chưa nhất trí phương án bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng; các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng cho Dự án gần hết công suất khai thác được duyệt, trong khi nhu cầu sử dụng đá cho Dự án trong năm cần trên 685 nghìn m3; chưa hoàn thành thỏa thuận 26 vị trí bãi đổ thải của Dự án; thiếu vốn thực hiện công tác bồi thường, GPMB, di chuyển hạ tầng điện; một số công trình, vật kiến trúc của các hộ gia đình nằm ngoài phạm giải phóng mặt bằng nhưng ảnh hưởng đến khai thác đường cao tốc chưa có phương án giải quyết...
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh và lãnh đạo các sở, ngành và huyện Bắc Quang tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư cho người dân có đất bị thù hồi triển khai Dự án; phương án bố trí vốn và xử lý các vấn đề phát sinh mới trong quá trình thực hiện Dự án...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án phối hợp với huyện Bắc Quang rà soát số kinh phí thiếu trong thực hiện bồi thường, GPMB để có phương án bố trí vốn cho huyện chi trả; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung thêm kinh phí thực hiện Dự án. Tổ công tác của tỉnh phối hợp với huyện Bắc Quang khẩn trương tháo gỡ khó khăn để hoàn thành xây dựng các khu tái định cư của Dự án; giải quyết dứt điểm các hộ còn vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB; hoàn thành dự án tổng thể kinh phí về bồi thường, tái định cư. Chủ đầu tư Dự án phối hợp với Tổ công tác của tỉnh, huyện Bắc Quang rà soát, xác định hộ bị ảnh hưởng, phát sinh mới trong quá trình triển khai dự án như không có đường vào nhóm hộ, không có đường vào đất sản xuất, đề xuất giải pháp xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Tổ công tác của tỉnh cần tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương quyết tâm, quyết liệt xử lý, hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, GPMB; tham mưu giải quyết vướng mắc về thiếu vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá) trong triển khai Dự án. Chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát điều chỉnh thiết kế, chủ trương đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho Dự án; xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra; chuẩn bị sẵn các điều kiện điều chỉnh Dự án từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh...
Nguồn: Báo Hà Giang